Thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19:

Năm 2023 mới rút dần giải pháp hỗ trợ

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:50 - Chia sẻ
Để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Việt Nam cần có lộ trình chính sách riêng cho từng năm. Theo đó, trong năm 2021, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và kết hợp cải cách thể chế kinh tế. Năm 2022 phải kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung cải cách thể chế kinh tế.

Đây là những khuyến nghị được nêu ra tại hội thảo Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 22.4.

		Cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19. Ảnh: Đan Thanh
Cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19.
Ảnh: Đan Thanh

Triển vọng lạc quan

Đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức khó lường, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vaccine. Riêng tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2020, dù phải đối mặt với hai làn sóng bùng phát của đại dịch song với phản ứng quyết liệt và khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát dịch. Công tác chỉ đạo và điều hành của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, kiên định với “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Nhờ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế gián đoạn cung ứng hàng hóa; giữ được mạch cải cách; thực hiện các biện pháp hỗ trợ để giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt mức 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I.2021. “Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19 song kết quả tăng trưởng của Việt Nam cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Nam Á”, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết.

Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM đánh giá, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến số doanh nghiệp thành lập mới trong cả năm 2020 giảm 2,3% so với 2019 nhưng tổng vốn đăng ký tăng 29,2%, cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số).

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiên định với yêu cầu ổn định lạm phát. Điều hành chính sách tỷ giá tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, được giải trình thường xuyên, minh bạch. Hoạt động xuất nhập khẩu ít nhiều thể hiện sức chống chịu cao hơn trong giai đoạn 2018 - 2020. Bên cạnh những nỗ lực thích ứng của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, sức chống chịu tốt hơn của nền kinh tế còn xuất phát một phần từ việc kiên định thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Độ mở thương mại của Việt Nam giữ xu hướng tăng. Hoạt động thương mại điện tử là điểm sáng trong năm 2020 với doanh số tăng 25%...

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 3 kịch bản. Theo đó, với kịch bản bình thường, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt 6,35%. Với kịch bản nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,69%. Với kịch bản vừa nới lỏng tài khóa, tiền tệ vừa cải cách thể chế, tốc độ tăng trưởng lên tới 6,76%.

Khôi phục kinh tế phải song hành cải cách thể chế

Với những kết quả đạt được trong phòng chống dịch, Việt Nam đang có nhiều dư địa để khôi phục kinh tế. Tuy vậy, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng, khôi phục kinh tế phải song hành cải cách thể chế kinh tế. “Nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn song đi kèm áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khóa, tiền tệ song hành cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định”.

Các chuyên gia của CIEM đề xuất, Việt Nam cần có lộ trình cải cách cho từng năm. Theo đó, trong năm 2021, cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kết hợp cải cách thể chế kinh tế. Năm 2022 phải kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung cải cách thể chế kinh tế.

Theo nguyên Phó Viện trưởng CIEM Võ Trí Thành, để phục hồi kinh tế, Việt Nam cần tính đến quy mô tiết kiệm và khả năng chống chịu của tầng lớp trung lưu vốn ngày một tăng. Mặt khác, bên cạnh các rủi ro thường trực, phải có cơ chế thực thi chống chọi các cú sốc, tạo hành lang pháp lý liên quan huy động nguồn lực hiệu quả, đặc biệt là nguồn lực đất đai và tài chính.

“Nói đến thể chế là phải nói đến luật chơi, văn bản pháp quy. Nhưng chính sách tốt chưa đủ, mà phải bảo đảm thực thi. Liệu có dám đặt ra cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho công chức không?”, ông Thành đặt vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia này, 5 năm tới, sự phát triển đột phá của Việt Nam sẽ nằm ở các tỉnh. Nếu như trước đây, cạnh tranh của các tỉnh là từ đáy (làm sao thu hút được nhiều tiền) thì bây giờ chuyển sang cạnh tranh khát vọng (thành phố đáng sống, thành phố thông minh…). Điều này đặt ra vai trò đặc biệt quan trọng cho Thủ tướng và Chính phủ; phải gắn thể chế với thực thi, bảo đảm chính sách đủ rõ ràng, đủ dự báo được.

Nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá đề xuất, chính sách hỗ trợ không nên tràn lan mà phải lựa chọn cho tương lai, tức là nên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng trong tương lai, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về cải cách thể chế kinh tế, dù đã được nói từ rất lâu và nói rất nhiều, song cần tiếp tục để bảo đảm luật pháp hội nhập quốc tế, bộ máy nhà nước phải gọn nhẹ, trong sạch. “Tới đây sửa Luật Đất đai có dám làm “tới bến” không hay chỉ sửa về mặt câu chữ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của lãnh đạo”, ông Bá nhấn mạnh.

Kinh tế số, đổi mới sáng tạo được trông đợi giúp phục hồi kinh tế. Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng không phải cứ hô hào là được mà phải dựa vào khả năng. Đặc biệt, nếu không có cơ chế bảo vệ thì không ai dám đổi mới sáng tạo. Do đó, “phải có Luật về đổi mới sáng tạo để quy định chi tiết, tránh tình trạng nhân danh đổi mới sáng tạo”.

Đ. Thanh