Năm 2022, Bắc Giang đặt mục tiêu nâng chỉ số PCI đứng thứ 25/63 tỉnh, thành
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2022, chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tối thiểu đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI đứng trong top 15 của cả nước. Để đạt được top 15, các đơn vị phải có sự đột phát trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm
Theo công bố, năm 2021 chỉ số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 64,74 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm trước; xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm tỉnh, thành tỉnh phố có chất lượng điều hành khá trên bảng xếp hạng. Trong 10 chỉ số thành phần, Bắc Giang có 5 chỉ số tăng điểm gồm: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tính minh bạch; tiếp cận đất đai; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí không chính thức. Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: chi phí gia nhập thị trường; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; chi phí thời gian; tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, mặc dù chỉ số PCI của tỉnh có sự tăng điểm song thứ hạng năm 2021 của tỉnh giảm 4 bậc so với năm trước. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm so với mức trung bình của cả nước và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả thực tiễn, còn rào cản, điểm nghẽn bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ. Với mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, để Bắc Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Lê Ánh Dương cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặt quyết tâm chính trị cao, nâng thứ hạng PCI năm 2022.
Theo Phó Tổng thư ký - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, PCI là công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, đồng thời là kênh truyền tải tiếng nói của doanh nghiệp. Thông qua phân tích các chỉ số thành phần, ông Tuấn chỉ rõ, so với giai đoạn 2017-2020, một số chỉ tiêu đánh giá chi phí thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính năm 2021 không duy trì được hướng tích cực.

Cải thiện Chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, PCI là chỉ số quan trọng, là tấm gương phản chiếu năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ góc nhìn của doanh nghiệp. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện chỉ số PCI chính là mục tiêu, giải pháp, là động lực để tỉnh Bắc Giang thay đổi. Việc quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI không chỉ là so với các tỉnh, thành phố mà về lâu về dài là giải pháp giúp tỉnh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Để đạt được mục tiêu, các sở, ban, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao từng bước cải thiện chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo, không thể chần chừ, bằng lòng với kết quả hiện có. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho rằng, giải pháp không phải là hô khẩu hiệu, tổ chức hội nghị mà cần phải có hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, có hình thức khen thưởng và xử lý đối với trường hợp làm tốt và chưa đạt yêu cầu. Theo đó, trước hết các đơn vị cần tập trung vào các chỉ số giảm điểm, chỉ số đứng thứ hạng thấp để xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình. Chỉ số giảm điểm cần tập trung cao để cải thiện, chỉ số có số điểm khá cần giữ vững phấn đấu làm cải thiện tốt hơn nữa.
Nhấn mạnh cải thiện Chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ khó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương lưu ý sở, ban, ngành, địa phương phải quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện. Sở, ban, ngành, địa phương nào thực hiện không tốt các chỉ số thành phần, làm ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh, tỉnh sẽ xem xét đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.
Cùng đó, các đơn vị cần đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung vào hạn chế, tồn tại, có giải pháp thực hiện cụ thể. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; chấn chỉnh cách thức làm việc của cán bộ tại bộ phận một cửa; quan tâm hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cần phải rà soát lại, tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Các ngành, địa phương phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động đối thoại và tiếp doanh nghiệp để lắng nghe vướng mắc, khi doanh nghiệp gặp khó cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, đẩy mạnh hóa đơn điện tử, thường xuyên kiểm điểm đánh giá, kiểm tra; xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm, dài hạn để việc triển khai đi vào nề nếp, thành văn hóa ứng xử, thành thói quen tự nhiên ứng xử với doanh nghiệp.