Năm 2014 không để dịch bệnh lớn xảy ra

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:32 - Chia sẻ
Từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh những năm qua và trong năm 2013, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra kế hoạch hoạt động trọng tâm năm 2014, với mục tiêu là khống chế không để những dịch lớn xảy ra, trong đó tập trung vào phòng chống các dịch bệnh mới nổi; giảm tỷ lệ mắc bệånh và tỷ lệ tử vong của các bệnh dịch đang lưu hành...

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy, cùng một lúc Việt Nam đang phải đối phó với gánh nặng “kép” về bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Cùng với sự gia tăng đến mức báo động tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường...), sự xuất hiện khó lường của một số bệnh dịch lây nhiễm (cúm A/H5N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết...) trong những năm qua là nguyên nhân gia tăng dồn dập bệnh nhân theo từng thời điểm nhất định, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện.


Nguồn: kienthucphothong.vn
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, năm 2013, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn đang diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát mạnh vào năm 2014. Dịch bệnh tay chân miệng, tại Việt Nam số mắc cả nước năm 2013 giảm 49,3%, tử vong giảm 55,6% so với cùng kỳ năm 2012, song vẫn lưu hành ở mức cao và rộng khắp cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số người mắc sốt xuất huyết năm 2013 giảm 24,3% (thấp nhất trong vòng 5 năm qua), số tử vong giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên trong năm 2014 nguy cơ gia tăng số mắc là rất lớn vì theo chu kỳ dịch bệnh, khối cảm nhiễm gia tăng (những trẻ chưa mắc bệnh). Bên cạnh đó, các bệnh cúm, tiêu chảy và lỵ trực trùng là các loại bệnh có số ca mắc cao.

Đặc biệt, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, Việt Nam là một trong 4 quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Me Kong đã ghi nhận sốt rét kháng thuốc Artemisinin đầu tiên tại tỉnh Bình Phước năm 2009 và đến nay đã lan ra 4 tỉnh: Bình Phước, Gia Lai, Đăk Nông và Quảng Nam. Nguy cơ gia tăng kháng thuốc và sốt rét quay trở lại ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn cao…

Điều đáng nói là trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm thì hệ thống y tế dự phòng lại đang đối diện với nhiều bất cập, hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác y tế dự phòng còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 25% trong tổng chi cho hoạt động y tế và mới đáp ứng được 30% nhu cầu phòng chống dịch… Nguồn nhân lực YTDP lại thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, từ năm 2006 - 2010, cả nước cần bổ sung thêm 9.800 cán bộ YTDP có trình độ đại học và sau đại học, tuy nhiên mãi đến năm 2012 mới có khoảng 50 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Về chất lượng thì theo thống kê, số người có trình độ từ cao đẳng trở lên hiện chỉ xấp xỉ khoảng 50%, còn lại là sơ cấp và trung học…

Không để dịch lớn xảy ra

Từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những năm qua và trong năm 2013, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra kế hoạch hoạt động trọng tâm trong năm 2014. Mục tiêu đặt ra là sẽ khống chế không để những dịch lớn xảy ra, trong đó tập trung vào phòng chống các dịch bệnh mới nổi, lan truyền qua biên giới như cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), MERS-CoV. Tiếp tục giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết của các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét...

Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B... Tăng cường các hoạt động bảo đảm an toàn tiêm chủng. Xây dựng và củng cố hệ thống văn bản hướng dẫn về tiêm chủng.

Bên cạnh đó, ngành y cũng hướng tới giải quyết tốt các vấn đề y tế công cộng nhằm bảo đảm đáp ứng đủ 13 năng lực cơ bản theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Thiết lập và phát triển mô hình Trung tâm Đáp ứng tình huống khẩn cấp tại Bộ Y tế nhằm ứng phó với các vấn đề dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; xây dựng kế hoạch đáp ứng theo từng tình huống dịch bệnh.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát và can thiệp phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, đặc biệt chú trọng các bệnh không rõ nguyên nhân. Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2020. Đẩy mạnh các hoạt động y tế trường học, thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh, đưa ra giải pháp phòng chống các bệnh tật học đường. Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường các hoạt động nhằm củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công tác y tế dự phòng một cách hiệu quả; xây dựng các chính sách đãi ngộ cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng. Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trong đó có quy hoạch hệ thống y tế dự phòng. Củng cố và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn bảo đảm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của y tế dự phòng như quy chuẩn chuyên môn, quy chuẩn các phòng xét nghiệm, bảo đảm an toàn sinh học, chuẩn các Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố.

Hoàng Phương