Năm 2007 kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng cao
Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc năm 2007 với nhiều thành tựu KT - XH. Nhờ sự chỉ đạo của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự điều hành kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm của UBND thành phố, cùng với sự nỗ lực, năng động của các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, thành phố đã đạt và vượt 14 chỉ tiêu KT – XH năm 2007.
Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 12,6%, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 (12%) và chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo đã về đích trước so với kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thành phố năm 2007 theo giá hiện hành đạt 228,697 tỷ đồng (tương đương 14,3 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 20% GDP của cả nước. GDP bình quân đầu người có mức tăng trưởng đáng kể, đạt 2.180 USD. Trong 3 khu vực của nền kinh tế, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 14,1% và chiếm tỷ trọng 52,6% GDP của thành phố. Bốn ngành dịch vụ: Tài chính – ngân hàng, du lịch, bưu chính – viễn thông, vận tải – dịch cảng – kho bãi có tốc độ tăng trưởng cao, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng, nhằm gia tăng tỷ trọng của các nhóm ngành dịch vụ, phát huy tiềm năng thế mạnh của trung tâm tài chính, dịch vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Cụ thể, xuất khẩu trên địa bàn có bước đột phá, đạt kim ngạch trên 17 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, cơ cấu có chuyển biến tích cực, giảm dần phụ thuộc vào thị trường châu Á, thâm nhập được nhiều thị trường mới, có tiềm năng như Nam Phi, Úc, New Zealand... Du lịch của thành phố có tốc độ tăng trưởng cao, phù hợp với xu thế của thời kỳ hội nhập. Năm 2007, tổng doanh thu du lịch đạt trên 20.000 tỷ đồng (tương đương 1,25 tỷ USD). Số khách quốc tế đến thành phố đạt 2,65 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2006. Ngành Bưu chính - Viễn thông tăng mạnh cả về doanh thu và số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Doanh thu cả năm đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm trước. Người dân thành phố ngày càng thuận lợi khi tiếp cận với công nghệ thông tin. Trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, nguồn vốn huy động qua ngân hàng đạt 448.170 tỷ đồng (tương 28 tỷ USD); Tổng dư nợ tín dụng đạt 355.482 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là trong tổng dư nợ tín dụng, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm đến 39,7% cho thấy nguồn vốn tín dụng được huy động cho đầu tư phát triển kinh tế đã tăng khá.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của TP có bước tiến đáng kể. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 18,1%. Một số ngành có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị truyền thông, hóa chất, sản phẩm từ cao su – plastic tiếp tục phát triển theo đúng định hướng. Ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp gắn với đô thị và nông nghiệp sinh thái, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng hoa, rau an toàn, cây công nghiệp hàng năm và các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2007, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 6,5%.
Nhờ kinh tế phát triển, thu ngân sách thành phố vượt dự toán và tăng cao, tổng thu ngân sách đạt 83.435 tỷ đồng, tăng 20,44%Tổng chi ngân sách thành phố đạt 22.554 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2006. Một thành tựu quan trọng khác là vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng cao. Trong năm 2007, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố đạt 84.800 tỷ đồng, tăng 26,6%. Trong đó, đầu tư từ vốn Nhà nước chiếm 32%, vốn dân doanh 51%, vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 17%. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, làn sóng đầu tư nước ngoài đã dồn dập đổ vào Việt Nam. Nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, trong năm 2007, thành phố đã thu hút được hơn 400 dự án đầu tư mới. Nếu tính cả vốn đầu tư tăng thêm của các dự án đầu tư đang hoạt động thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,9%. Đây cũng là mức thu hút cao nhất từ trước tới nay. Thành phần kinh tế dân doanh của thành phố tiếp tục phát triển tích cực, năng động. Trong năm 2007 có 16.505 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 126.000 tỷ đồng, tăng 13,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng gấp hơn 3 lần về vốn đăng ký, chứng tỏ một lượng vốn rất lớn trong dân đã được đưa vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thử thách. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bộc lộ sự quá tải, bất cập trước sự tăng nhanh dân số và yêu cầu phát triển. Tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước ngày càng nghiêm trọng. 54 điểm kẹt xe và 85 điểm ngập nước đang gây không ít khó khăn cho người dân.Trong khi đó, tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm của thành phố còn chậm. Công tác quy hoạch, xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và cải thiện dân sinh. Ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng. Công nghiệp tuy phát triển nhưng chưa có mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng của thành phố. Hạ tầng chưa đáp ứng yêu câçu phát triển du lịch; Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng đời sống của nhân dân.
Bước vào năm 2008 – năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, đồng thời cũng là năm thứ hai Việt Nam thực hiện cam kết gia nhập WTO, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện những giải pháp tích cực để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế nhằm nâng cao mức sống của người dân. TP sẽ tập trung phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ mang tính đột phá, khai thác tốt tiềm năng để phát triển thị trường tài chính, ngân hàng; Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ... Ban hành những chủ trương chính sách phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu... TP sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; Thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông... Đặc biệt, TP sẽ công bố các chương trình dự án đầu tư trọng điểm để định hướng cho các nhà đầu tư huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục phát huy thành tựu phát triển kinh tế năm 2007, khắc phục những mặt yếu kém, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tích cực, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguyễn Văn Quang