Nấc thang đầu tiên hướng tới nền dân chủ ở Thái Lan

Hạnh Thi 01/01/2011 00:00

Ngày 4.3.2000, 43 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu bầu Thượng nghị viện theo tinh thần bản Hiến pháp mới được thông qua năm 1997. Đây là cuộc bầu cử Thượng nghị viện đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và cũng là bước thử nghiệm đầu tiên trong quá trình cải cách dân chủ ở nước này.

020-nac-thang-DL11-300A1.jpg

Có thể nói, chế độ quân chủ lập hiến ra đời ở Thái Lan từ năm 1932, nhưng phải đến năm 1978, Quốc hội lưỡng viện mới được thành lập. Hiến pháp 1978 quy định cơ quan lập pháp Thái Lan gồm Hạ nghị viện với 301 thành viên do dân bầu và Thượng nghị viện 225 thành viên do Thủ tướng thừa lệnh Nhà Vua bổ nhiệm. Chính nguyên tắc bổ nhiệm ấy đã biến Thượng nghị viện Thái Lan trở thành công cụ để chính phủ khống chế nền chính trị đất nước.

Thực tế, trong những thập kỷ đầu, ảnh hưởng của các đảng đối với nền chính trị rất mờ nhạt vì bị quyền lực của giới quân sự lấn át. Giải pháp gần như duy nhất cho cuộc đấu tranh giành quyền lực trong chính phủ Thái Lan là đảo chính. Chỉ tính từ năm 1932 đến năm 1978, ở Thái Lan đã có tới 14 cuộc đảo chính với sự ra đời của 12 bản Hiến pháp khác nhau. Trong nửa đầu thập kỷ 1980, giới quân sự còn tiến hành thêm 5 cuộc đảo chính nhằm tiếp tục nắm quyền lực, và Thượng nghị viện vẫn luôn là công cụ thực thi quyền lực của họ.

Nói chung, việc quân đội nắm mọi quyền chính yếu trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ trong xã hội Thái Lan. Giới quân sự đã thâu tóm và chi phối hầu hết mọi công việc của chính phủ ngay từ năm 1932. Thêm vào đó, việc dùng tiền bạc mua ảnh hưởng và mua phiếu bầu vào các vị trí quyền lực trong Hạ nghị viện ngày càng trở nên không kiểm soát nổi. Với một Thượng nghị viện có nhiều cựu quan chức tham quyền, tham nhũng, hoạt động vì lợi ích cá nhân cục bộ, và nhiều doanh nhân muốn lợi dụng chức vụ nhằm tạo ảnh hưởng trên thương trường, chính trường Thái Lan hoàn toàn thiếu vắng một cơ chế có đủ khả năng đối phó với thực trạng này. Vì vậy, với quy định Thượng nghị viện được thành lập thông qua bầu cử, Hiến pháp 1997 nhằm tăng cường sự tham gia của công dân vào bộ máy chính trị, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của đồng tiền và các nhóm lợi ích đặc biệt - nhất là giới quân sự, trong nền chính trị Thái Lan.

Khác với vai trò như một công cụ thực hiện quyền lực của chính phủ và làm đối trọng với Hạ nghị viện do dân bầu trước kia, Thượng nghị viện mới có tiếng nói quyết định trong việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan chính phủ mới được thành lập. Các cơ quan này có chức năng giám sát những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như viễn thông, phát thanh, truyền hình... và điều tra các vụ tham nhũng. Thượng nghị viện cũng có quyền chỉ định các thành viên của Tòa án theo quy định của Hiến pháp và xem xét những lời cáo buộc đòi cách chức các bộ trưởng, kể cả thủ tướng chính phủ.

020-nac-thang-DL11-300A2.jpg

Nhằm đảm bảo cho Thượng nghị viện thực hiện được các quyền trên, Hiến pháp 1997 đã quy định các ứng cử viên Thượng nghị sĩ phải là những người không dính dáng gì tới các đảng phái chính trị rối ren ở Thái Lan. Các ứng cử viên sẽ không được tranh cử nếu đã từng là thành viên của một đảng chính trị trong vòng 5 năm trước cuộc bầu cử, hoặc đã từng phục vụ cho các quan chức chính phủ. Ứng cử viên không được mở các chiến dịch vận động tranh cử, chỉ được phép “tự giới thiệu”. Cũng vậy, họ có quyền tuyên truyền những thành tích cá nhân, nhưng không được đưa ra những lời hứa hẹn hay bình luận về chính sách của chính phủ...

Kết quả là, cuộc bầu cử Thượng nghị viện đầu tiên ở Thái Lan được xem như đã mở ra “chương mới” cho nền chính trị Thái Lan với số phiếu bầu lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự lần đầu tiên của những nhà hoạt động xã hội có tư tưởng độc lập, những người hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, những học giả và kỹ trị gia trong giới lãnh đạo đất nước. Cải cách dân chủ ở Thái Lan gắn liền với việc chuyển từ bộ máy lãnh đạo bị giới quân sự thao túng sang chính phủ dân sự được thành lập thông qua bầu cử rộng rãi. Sự xuất hiện những Thượng nghị sĩ độc lập với giới quân sự qua cuộc bầu cử này chứng tỏ lực lượng quân sự đã không còn vai trò kiểm soát Thượng nghị viện như trước, và quyền lực của họ đã bị giảm sút đáng kể. Đây chính là yếu tố dân chủ nổi bật của cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử này cũng được các nhà phân tích xem như đợt chạy đua thử nghiệm cho cuộc bầu cử Hạ nghị viện mới (11.2000). Hòa theo xu thế dân chủ đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, cuộc bầu cử Thượng nghị viện đầu tiên ở Thái Lan là một nỗ lực của đảng Dân chủ muốn nâng cao hơn nữa uy tín của họ trong việc thực hiện cải cách dân chủ. Thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Thượng nghị viện cũng là lúc uy tín của đảng Dân chủ lên cao nhất. Trước đó, chính phủ “dân chủ” của Thủ tướng Chuan Leekpai đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với thắng lợi 255 phiếu thuận trên 125 phiếu chống và 13 nhà làm luật thuộc phe đối lập bỏ phiếu trắng.

Tóm lại, cuộc bầu cử Thượng nghị viện đầu tiên ấy đã dấy lên làn sóng cải cách dân chủ trong nhân dân Thái, khẩu hiệu “dân chủ” xem ra khi đó có sức nặng trong các chiến dịch tranh cử. Đặc biệt, nhờ nhiều lần tuyên bố “đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết” trong chiến dịch vận động của mình, mà ứng cử viên Thaksin Shinawatra, Chủ tịch đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai), sau đó đã trở thành Thủ tướng Thái Lan giai đoạn 2001 - 2006.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nấc thang đầu tiên hướng tới nền dân chủ ở Thái Lan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO