Theo National Interest, những nguyên tố thiết yếu này, chẳng hạn như lithium, đồng, coban và đất hiếm, là huyết mạch của công nghệ hiện đại, đặc biệt là xe điện (EV) và hệ thống năng lượng tái tạo. Sự gần như độc quyền của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng trên đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ về đòn bẩy và quyền kiểm soát của đất nước gấu trúc đối với ngành này. Kết quả là, Nam Mỹ, với trữ lượng lithium khổng lồ, đang nổi lên như cơ hội lớn nhất có thể giúp Mỹ giành độc lập về khoáng sản quan trọng.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, sự gia tăng của các loại xe điện, chạy bằng pin lithium, đang thúc đẩy nhu cầu chưa từng có đối với các khoáng chất quan trọng liên quan. Vốn hóa thị trường của những khoáng sản đó đã tăng từ 160 tỷ USD vào năm 2018 lên 320 tỷ USD vào năm 2022, phần lớn được thúc đẩy nhờ sự tăng trưởng của doanh số bán xe điện, tăng từ 2 triệu lên hơn 10 triệu trong cùng kỳ. Giống như dầu mỏ từ lâu đã là xương sống của vận tải toàn cầu, các khoáng sản quan trọng hiện đang đảm nhận vai trò quan trọng tương tự. Và tương tự như các cú sốc dầu mỏ, người Mỹ sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những đợt tăng giá khoáng sản nghiêm trọng, khi các phương tiện và lưới điện của đất nước được hiện đại hóa.
Các quốc gia mà Mỹ cần ưu tiên để giải quyết nhu cầu pin lithium đang tăng theo cấp số nhân phụ thuộc vào thành phần pin mà nước này cuối cùng đặt cược vào. Lithium dẫn đầu cuộc đua pin vì đây là kim loại có tỷ lệ năng lượng trên trọng lượng lớn nhất. Pin lithium là nguồn năng lượng quan trọng đằng sau xe điện và bộ lưu trữ năng lượng tái tạo. Hai loại pin nổi bật là Lithium niken mangan coban oxit (NMC) và Lithium-Iron-Phosphate (LFP) chiếm lĩnh thị trường. Cả hai đều dựa vào lithium để lưu trữ và giải phóng năng lượng, nhưng chúng khác nhau đáng kể về mức độ phụ thuộc vào tài nguyên và tầm quan trọng chiến lược.
Mặc dù cả NMC và LFP đều là những lựa chọn khả thi về mặt thương mại nhưng chúng không ngang bằng về mặt an ninh quốc gia của Mỹ. Pin NMC phụ thuộc vào sự gần như độc quyền của Trung Quốc đối với coban của Congo và niken của Indonesia, hai nguồn dự trữ và sản xuất lớn nhất thế giới về các loại khoáng sản này. Mặt khác, pin LFP tuy vẫn phụ thuộc vào lithium nhưng sử dụng nhiều vật liệu phổ biến hơn, khiến chúng rẻ và an toàn hơn. Mỹ đang nỗ lực hướng tới sử dụng pin LFP, với mục tiêu quốc gia là loại bỏ coban và niken trong pin vào năm 2030.
“Kho dự trữ” lithium của Nam Mỹ
Giống như lợi ích của Mỹ là xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Ảrập Xêút vào năm 1945 để bảo đảm dòng chảy dầu được cung cấp liên tục, giờ đây đất nước cờ hoa có lợi ích là thiết lập các mối quan hệ ổn định cần thiết để củng cố hoạt động nhập khẩu lithium. Thực sự, việc bảo đảm nguồn cung cấp lithium ổn định, cần thiết cho sự phát triển của xe điện lẫn năng lượng tái tạo, là điều tối quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ. Phần lớn trữ lượng lithium đã được chứng minh của thế giới nằm trong "tam giác lithium" bao gồm Chile, Argentina và Bolivia, chiếm 54% trữ lượng toàn cầu. Australia cũng nắm giữ một phần đáng kể với 24% trữ lượng thế giới. Mexico đang tìm cách thành lập hiệp hội lithium với các nước láng giềng Nam Mỹ, gợi lên những so sánh với sự thành lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khi Mỹ thực hiện được một số khám phá đầy hứa hẹn về trữ lượng lithium ở các bang như Maine (tháng 7) và Nevada (tháng 9), thì việc đạt được sự độc lập về lithium vẫn là thách thức khó nhằn. Dự kiến nhu cầu về xe điện sẽ cần lượng lithium cacbonat tương đương nhiều hơn 300% vào năm 2050 so với lượng mà toàn thế giới hiện đang sản xuất hàng năm ngày nay (khoảng 765.570 tấn vào năm 2022). Chưa hết, người ta dự đoán rằng xu hướng lithium toàn cầu sẽ dẫn đến nhu cầu khoảng 3 - 4 triệu tấn vào năm 2030. Theo nhiều nhà phân tích, để đáp ứng nhu cầu này đòi hỏi Mỹ phải thay đổi di sản khai thác tài nguyên và can thiệp chính trị ở Mỹ Latin. Thực tế, Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào khu vực, giành được những hợp đồng có lợi cho các cơ sở sản xuất pin và lithium, trong khi Mỹ lại tụt lại phía sau.
Năm nay, Trung Quốc đang giúp Chile xây dựng một nhà máy chế biến để đổi lấy lithium giảm giá và một nhà máy sản xuất cathode lithium trị giá 290 triệu USD. Tháng 7, Trung Quốc đầu tư 620 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Brazil trên cơ sở mà Ford vừa bỏ hoang. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã chiếm 88% tổng số tiền chi cho các thương vụ mua bán và sáp nhập lithium trị giá hơn 100 triệu USD ở Mỹ Latinh. Theo các nhà quan sát, Mỹ phải thuyết phục các quốc gia có khoáng sản quan trọng trong khu vực rằng lịch sử sẽ không lặp lại bằng cách đưa ra những điều kiện có lợi hơn.
Để bảo đảm các mối quan hệ đối tác khoáng sản quan trọng có tính cạnh tranh ở Nam Mỹ, các nhà phân tích Mỹ cho rằng nước này phải vượt ra ngoài các khoản đầu tư tài chính, vì lợi thế chính của Trung Quốc nằm ở việc sẵn sàng đầu tư mà không tập trung duy nhất vào lợi nhuận, cũng như không quan tâm đến rủi ro pháp lý, môi trường hoặc chính trị. Theo họ, Mỹ nên tập trung vào việc chia sẻ công nghệ, cấp phép môi trường hợp lý và giám sát chung để bảo vệ người lao động cũng như bảo đảm tính minh bạch.
Nói chung, công nghệ tương lai và quá trình khử cacbon phụ thuộc vào các khoáng chất quan trọng, khiến chúng trở thành mặt hàng được săn lùng nhiều nhất trên toàn cầu sau nhiên liệu hóa thạch. Khi thế giới chuyển sang phụ thuộc vào các khoáng sản này, địa chính trị về an ninh tài nguyên sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Để bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia, Mỹ chắc chắn sẽ để mắt và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ở Nam Mỹ - nơi có nguồn lithium dồi dào, phản ánh cách tiếp cận lịch sử của nước này đối với dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư. Thực vậy, việc bảo đảm các nguồn tài nguyên trên rất quan trọng đối với khả năng độc lập về năng lượng lẫn vai trò lãnh đạo toàn cầu của xứ sở cờ hoa.