Mỹ - Trung tiến gần đến bẫy Thucydides?
Sau gần một năm bước vào Nhà Trắng, hôm qua, 18.12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, với những quan điểm được cho là cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm. Đặc biệt, việc nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đã khiến các học giả liên tưởng đến “lời tiên tri” về bẫy Thucydides trong quan hệ Mỹ - Trung có thể trở thành hiện thực.
Hòa bình thông qua sức mạnh
Chiến lược an ninh quốc gia vốn là một văn kiện chính thức được các ông chủ Nhà Trắng đưa ra kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, có vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách tương lai của nước Mỹ. Văn kiện này được xem như kim chỉ nam cho mỗi quá trình ra quyết định chính sách, từ việc dính líu vào các cuộc chiến đến luật quốc gia
Chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Trump gồm 70 trang, dầy gấp đôi bản chiến lược an ninh quốc gia được công bố dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama năm 2015. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng H.R. McMaster, cả chiến lược có thể được tóm gọn trong vòng 3 chữ, là khẩu hiệu nổi tiếng của cố Tổng thống Ronald Reagan năm 1987: “Peace through Strength” (Hòa bình thông qua sức mạnh).
Chiến lược mới nhấn mạnh vào 4 ưu tiên chính: Bảo vệ lãnh thổ Mỹ thông qua siết chặt các quy định nhập cư; thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng của nước Mỹ bằng cách gây sức ép, đòi thương mại công bằng với Trung Quốc và các nước khác; duy trì hòa bình thông qua sức mạnh quân sự và tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Theo các nhà quan sát, chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ chú trọng phạm trù kinh tế nhiều hơn quân sự. Điều này phù hợp với tuyên bố trước đây của cố vấn McMaster cho biết việc thương thuyết lại các thỏa thuận thương mại sẽ là một phần chính trong chiến lược an ninh quốc gia. “Mỹ và Anh không thể giữ vai trò là thế lực vì hòa bình và ổn định trên thế giới nếu chúng ta không có được an ninh về kinh tế và tài chính”, ông McMaster nói với người đồng cấp Anh Mark Sedwill trong cuộc gặp hồi tuần trước.
Mặt khác, trong chiến lược của ông Obama trước đây, Mỹ tập trung vào thách thức đến từ “4 quốc gia +1”, gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran và chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, Tổng thống Trump coi Nga và Trung Quốc là “những cường quốc đang tìm cách làm thay đổi trật tự và ổn định toàn cầu”, còn Iran và Triều Tiên là “những chính quyền bất hảo”.
Ngoài ra, chiến lược mới của Tổng thống Trump cũng loại bỏ một số nội dung từ người tiền nhiệm, bao gồm việc coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
![]() |
Phát súng khơi mào?
Điểm quan trọng và khác biệt lớn nhất trong chiến lược an ninh mới là việc “gọi tên” Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Đưa ra một tháng sau khi ông Donald Trump đến thăm Trung Quốc và 8 tháng sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, Mỹ, chiến lược an ninh mới của Mỹ không ngần ngại cáo buộc Trung Quốc “gây hấn kinh tế”.
Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc nhiều lần trong chiến dịch tranh cử nhưng đã dịu giọng hơn từ sau cuộc gặp ở Mar-a-Lago. Nguyên nhân một phần bởi ông cho rằng Bắc Kinh có thể gây sức ép với Bình Nhưỡng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tuy nhiên, trong chiến lược an ninh quốc gia mới, ông Donald xác định rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Ông Michael Allen, một cựu quan chức thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định: “Có thể coi đây là phát súng khởi động một loạt biện pháp kinh tế chống lại Trung Quốc”.
Giới quan sát cho rằng, việc gọi tên Trung Quốc là đối thủ cũng như sẵn sàng cho các biện pháp cứng rắn hơn trong quan hệ thương mại giữa hai nước cho thấy có nguy cơ đẩy Mỹ - Trung tiến gần hơn tới “bẫy Thucydides”. Cụm từ “bẫy Thucydides,” nhắc đến những quan sát của một sử gia Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước công nguyên, được Graham Allsion, trong cuốn sách viết về quan hệ Mỹ - Trung với tựa đề u ám “Định mệnh chiến tranh”, sử dụng để diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một cường quốc mới nổi. Allsion đã tính toán rằng trong 16 trường hợp như vậy thì có 12 trường hợp đối đầu kết thúc bằng một cuộc xung đột công khai. Và ông kết luận rằng: “Trung Quốc và Mỹ đang trên đà đến chiến tranh - trừ khi hai bên chịu chấp nhận những hành động khó khăn và đau đớn để ngăn chặn điều đó”. Giới phê bình lo ngại nếu Mỹ mạnh tay, một cuộc chiến tranh thương mại có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hậu quả sẽ không chỉ là người dân và công ty Mỹ hay Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ hồi đầu năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nhắc nhở giới tinh hoa toàn cầu rằng “sẽ không có quốc gia nào nổi lên như người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại”. Nếu Mỹ nhắm vào thương mại của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả và hậu quả là nền kinh tế toàn cầu gánh chịu.
Trên thực tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 1929-1933, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhận ra sự tàn phá nghiêm trọng khi các quốc gia dựng lên các rào cản thương mại để bảo vệ nền kinh tế trong nước nhưng cuối cùng lại làm tổn hại đến chính bản thân. Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ có nghĩa là từ bỏ một thể chế vốn công nhận rằng các quốc gia sẽ mạnh hơn khi họ hợp tác cùng nhau.