Mỹ trở lại với chủ nghĩa đa phương tài chính mới

- Thứ Hai, 22/03/2021, 07:11 - Chia sẻ
Trong bức thư gần đây gửi cho các đồng nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ hơn để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhấn mạnh vào quản trị, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận, bà Yellen đưa ra lý do phải hành động rộng rãi hơn để giải quyết những lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu hiện tại.

Cách tiếp cận có trách nhiệm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang bắt đầu hành động theo những cách mà chỉ cách đây ít lâu, thế giới sẽ không thể tưởng tượng được. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ - cổ đông chính, có quyền phủ quyết ở cả hai thể chế - đã cho thấy họ không muốn làm gì cả (nếu không muốn nói là chỉ gây khó khăn cho hoạt động của hai tổ chức này). Giờ đây, Mỹ đi đầu trong điều phối vai trò toàn cầu của họ, giúp các nước nghèo ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Đi đầu trong cách tiếp cận này là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Trong bức thư gửi các đồng nghiệp G20 tháng trước, bà Yellen viết rằng không quốc gia nào có thể “tuyên bố chiến thắng” trước “cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế” do đại dịch gây ra. Bà nói thêm: “Đây là thời khắc để hành động và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương”. Trong thư của mình, bà Janet Yellen cho rằng, một đợt phân bổ mới Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) có thể giúp tăng cường khả năng thanh khoản cho các nước nghèo, cũng như hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế và y tế thiết yếu của họ. Bà đặc biệt khuyến khích sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt dư thừa để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế ở các nước nghèo, song song với tài trợ song phương.

Bức thư của bà Yellen có thể không đánh dấu sự khởi đầu của “khoảnh khắc Bretton Woods” mới, như Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva ca ngợi, nhưng nó đánh dấu bước thay đổi đáng hoan nghênh từ sự liều lĩnh và cẩu thả của chính quyền trước sang thái độ trách nhiệm hơn. Bức thư của bà Yellen cũng cho thấy, nước Mỹ đang tìm kiếm hành động thực chất của các tổ chức tài chính đa phương, điều mà cựu Tổng thống Trump đã phản đối. Đó là tăng cường các bộ công cụ của IMF và WB, bao gồm các cơ sở ưu đãi của Quỹ, chế độ phân bổ tài sản dự trữ mới trong đó có Quyền rút vốn đặc biệt, để giúp các nước thu nhập thấp tăng cường tính thanh khoản.

Bà Yellen cho rằng, những quốc gia này chắc chắn cần được giúp đỡ, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến nhiều khoản nợ của họ trở nên tồi tệ hơn. Cho đến nay, G20 đã đưa ra cách tiếp cận hai phương diện để giúp đỡ các quốc gia mắc nợ cao. Đầu tiên, tổ chức này cung cấp khoản giảm nợ tạm thời - cho đến tháng 6 này, mặc dù nó có thể được gia hạn - thông qua Sáng kiến ​​đình chỉ nghĩa vụ nợ. Thứ hai, G20 có kế hoạch cải thiện tính bền vững của nợ thông qua Khuôn khổ chung về xử lý nợ. Nhưng sự hỗ trợ như vậy cần được tăng cường. May mắn thay, giờ đây Mỹ đã không còn phản đối việc tái phân bổ SDR và G20 đã đồng ý cho phép IMF làm việc trên cơ chế phân bổ mới.

Tái phân bổ và tạo điều kiện trao đổi SDR

Giá trị của SDR dựa trên rổ tiền tệ (dollar Mỹ, euro, yên Nhật, Nhân dân tệ Trung Quốc và bảng Anh). Mặc dù SDR không hoạt động như một loại tiền tệ, nhưng có thể được trao đổi thành các loại tiền tệ để sử dụng tự do.

SDR không được thiết kế để giúp các quốc gia có thu nhập thấp. Thay vào đó, nó nhằm bổ sung cho dự trữ chính thức của các nước thành viên IMF và giải quyết các vấn đề thanh khoản, vào thời điểm đồng USD có thể chuyển đổi trực tiếp thành vàng.

Do đó, tỷ lệ SDR mà mỗi quốc gia nhận được trong một phân bổ nhất định được xác định bởi hạn ngạch IMF của họ. Theo hệ thống này, các nước G20 sẽ nhận được 68% phân bổ SDR, trong đó Mỹ, Vương quốc Anh và các nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu yêu cầu con số khổng lồ 48%. Các nước nghèo chỉ nhận được 3,2% trong cùng một phân bổ.

Nói cách khác, SDR có xu hướng tích lũy cho những người ít cần chúng nhất. Trong khi đó, các quốc gia thu nhập thấp có xu hướng chuyển đổi SDR mà họ nhận được sang các loại tiền tệ có thể sử dụng tự do.

Nhận thức được điều này, bà Yellen cho biết sẵn sàng xem xét các giải pháp tiềm năng. Ví dụ, các nước G20 có thể chuyển SDR mà họ không cần để hỗ trợ phục hồi kinh tế ở các nước có thu nhập thấp. Điều này có thể mở đường cho việc tạo ra các quỹ dựa trên SDR.

Ngay cả theo hệ thống phân bổ hiện tại, nếu tiến hành phân bổ SDR trị giá 100% hạn ngạch hiện tại của IMF sẽ tạo ra khoảng 15,2 tỷ SDR cho các nước nghèo nhất. Con số này nhiều hơn khoản cho vay ưu đãi trung bình hàng năm của IMF thông qua Quỹ Tín thác tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (1,25 tỷ SDR).

Hơn nữa, SDR không có điều kiện kèm theo. Vì vậy, bằng cách ủng hộ sử dụng công cụ này, bà Yellen đã thừa nhận rằng thanh khoản linh hoạt và vô điều kiện - không phải cho vay ưu đãi - sẽ là mạng lưới an toàn trong hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. Đồng thời, bà nhấn mạnh đến quản trị hợp lý và sự cần thiết phải thiết lập các thông số được chia sẻ nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các sàn giao dịch SDR.

Những vướng mắc

Các quốc gia sẽ sử dụng SDR của họ như thế nào? Chẳng hạn, họ có nên được phép sử dụng chúng để thanh toán nợ song phương không? Trong trường hợp đó, số tiền đa phương như vậy có thể mang lại lợi ích cho các chủ nợ song phương như Trung Quốc, điều mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump từng phản đối.

Trả lời những câu hỏi như vậy đòi hỏi nỗ lực lớn hơn để giải quyết nhiều lỗ hổng trong hệ thống tài chính đa phương hiện nay - những lỗ hổng thường khiến các nước thiếu thốn tài chính không có nhiều lựa chọn tốt. Do đó, các nước thu nhập thấp thường phải chuyển sang đi vay song phương khó khăn và trở thành “con tin” của các chủ nợ tư nhân và các tổ chức tài chính. Điều này đã tạo ra sự bất cân xứng đáng kể giữa các loại nợ khác nhau và các chủ nợ khác nhau.

Để giải quyết những vấn đề này, các công cụ tài chính đa phương phải được cung cấp cho các quốc gia có nhu cầu. Hơn nữa, G20 phải có hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường tính bền vững của nợ, phối hợp hành động quốc tế và môi giới các thỏa thuận nợ công bằng giữa các chủ nợ song phương, đặc biệt là Trung Quốc và các con nợ có thu nhập thấp.

Với những tuyên bố gần đây của bà Janet Yellen, trong đó nhấn mạnh yếu tố quản trị toàn cầu, tính linh hoạt và tính khả dụng - dường như bà nhận ra vai trò quan trọng trong kiến ​​trúc tài chính quốc tế. Điều đó mang lại nhiều hy vọng rằng bà và nước Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy thế giới tới chủ nghĩa đa phương về tài chính mới nhằm hỗ trợ các nước nghèo đối phó với khó khăn trong đại dịch.

Đạt Quốc