Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức và Nga

Mỹ tiến thoái lưỡng nan

- Thứ Tư, 24/02/2021, 07:04 - Chia sẻ
Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ sẽ không đưa các công ty Đức vào danh sách áp đặt trừng phạt liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Chỉ 1 tháng sau khi nhậm chức, các cuộc tranh luận về dự án này đang buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân bằng giữa duy trì sức ép với Nga và xây dựng quan hệ thân thiết hơn với Đức, một đồng minh NATO. Thời gian đang cạn dần với Mỹ khi mà “dòng chảy” này sắp được khơi thông.

Tránh đối đầu với đồng minh

Cụ thể, một báo cáo về các lệnh trừng phạt mới đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ cuối tuần trước (19.2). Báo cáo này chỉ đề cập đến một số ít tổ chức liên quan đến Nga là đối tượng áp đặt lệnh trừng phạt. Theo Bloomberg, bằng cách này, chính quyền ông Biden đang tìm cách dừng triển khai dự án, trong khi cố gắng tránh đối đầu với một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu.

Tàu lắp đặt đường ống của Nga

Dòng chảy phương Bắc 2 trở thành nguồn cơn chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dự án 11 tỷ USD vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu này được nối lại vào tháng 2. Đường ống dẫn khí dưới biển Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành hơn 90% với phần còn lại chỉ còn khoảng hơn 160km. Quá trình nối lại việc thi công diễn ra ngày 6.2, hơn 1 năm sau khi dự án này phải dừng lại do đối mặt với sự phản đối từ chính quyền Tổng thống Trump và động thái trừng phạt của Quốc hội Mỹ đối với các bên liên quan.

Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp tập đoàn Gazprom của Nga vận chuyển khí đốt trực tiếp từ nước này tới châu Âu mà không cần qua hệ thống trung chuyển ở Ukraine. Điều này khiến các nghị sĩ Mỹ lo ngại nó sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của Nga ở thị trường năng lượng châu Âu nói riêng cũng như ảnh hưởng trên toàn châu lục này nói chung. Các quan chức trong chính quyền ông Trump cho rằng, dự án này sẽ hủy hoại an ninh châu Âu và khiến châu lục này phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.

Các nguồn tin thân cận về vấn đề này cũng cho biết, mặc dù Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng cố gắng tránh trừng phạt các tổ chức, cá nhân của Đức nhưng đã chuẩn bị cho động thái trừng phạt trên trong những tuần cuối cùng nhiệm kỳ. Trong số các mục tiêu bị nhắm tới có ông Matthias Warnig, Giám đốc điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức. Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Trump cũng từng có một kế hoạch chi tiết với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt dự án này song lý do duy nhất mà lệnh trừng phạt các tổ chức, cá nhân của Đức vẫn chưa diễn ra là do chúng đã hết hạn thực hiện. Ngoài ra, vào ngày 19.1, ngày cuối cùng của ông Trump ở Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt công ty Fortuna của Nga, công ty đang thi công đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở biển Baltic. Dù vậy, các nhà phân tích đánh giá rằng các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump thiếu sự cụ thể và chưa bao giờ vượt qua được vòng thảo luận.

Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn từ chối bình luận về vấn đề này nhưng các quan chức nước này đã nhiều lần khẳng định Tổng thống Joe Biden phản đối dự án. "Tổng thống Biden đã khẳng định rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận tồi. Đây là một thỏa thuận tồi bởi nó chia rẽ châu Âu, đồng thời đặt Ukraine và Trung Âu vào tình thế nguy hiểm trước Nga và sự thao túng của Nga", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 16.2.

Lựa chọn của Đức

Cho đến nay, Đức vẫn đang tìm cách duy trì dự án trên và nối lại những đề xuất từng bị chính quyền Tổng thống Donald Trump bác bỏ, với ý định cho phép khí đốt đi qua đường ống này song sẽ hạn chế ảnh hưởng của Nga.

Cuối tháng 12.2020, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã khẳng định với báo Deutsche Presse-Agentur (DPA) rằng, Berlin sẽ không "cúi đầu" trước áp lực của Washington trong cuộc tranh cãi về Nord Stream 2, ngay cả sau khi quyền lực được chuyển giao cho chính quyền tân Tổng thống Biden ngày 20.1.2021. Theo đó, đề cập tới Nord Stream 2, ông Maas khẳng định Berlin "không cần phải nói về chủ quyền của châu Âu nếu điều đó có nghĩa là trong tương lai chúng tôi (Đức) phải làm mọi thứ theo cách mà Washington muốn chúng tôi làm".

Quan chức này cũng cho biết: Mặc dù Berlin hy vọng quan hệ Đức - Mỹ sẽ được cải thiện dưới thời ông Biden, nhưng một số vấn đề xung đột - bao gồm Dòng chảy phương Bắc - sẽ vẫn còn đó. "Chính phủ Đức sẽ không thay đổi lập trường về Nord Stream 2", ông Maas khẳng định. "Điều quan trọng là chúng ta thống nhất quan điểm về những vấn đề địa chính trị - chiến lược trọng tâm, và ở cùng một phía trên sàn đấu".

Thế khó của Mỹ

Cho tới nay, chính quyền ông Biden chưa áp đặt thêm lệnh trừng phạt với các cá nhân và công ty tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không muốn nhắm vào các công ty và cá nhân từ những quốc gia như Đức bởi ông cho rằng việc quan trọng hơn lúc này là tìm kiếm giải pháp ngoại giao và hàn gắn những rạn nứt do chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump gây ra.

Sự yên ắng này đã vấp phải chỉ trích từ một số người khi cho rằng luật pháp Mỹ yêu cầu trừng phạt bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Họ cũng cho rằng, trong khi Mỹ đang tìm cách làm giảm căng thẳng với Đức thì Washington dường như đang xa rời các đồng minh khác như Ukraine, Ba Lan và các nước vùng Baltic.

"Việc xuất hiện cơ sở hạ tầng của Nga trong một quốc gia thuộc NATO có thể đặt tất cả thành viên NATO gặp rủi ro", thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, một trong những người đề xuất lệnh trừng phạt Đức nhận định. Trong khi đó, ông Jim Risch, quan chức hàng đầu đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng cho rằng: "Quan hệ giữa Mỹ với Đức là nền móng của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, việc cho phép thi công Dòng chảy phương Bắc 2 không phải hướng đi mang tính xây dựng cho mối quan hệ này".

Nếu chấp nhận nhượng bộ Đức để gìn giữ mối quan hệ đồng minh, Mỹ sẽ bị mang tiếng là yếu đuối trước Nga. Việc đó cũng có thể bị cho là dấu hiệu Mỹ đang từ bỏ các đồng minh khác khi lãnh đạo những nước này phản đối đường ống trên. Đáp ứng đề xuất của Đức còn khiến chính quyền ông Biden vấp phải phản đối dữ dội từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa như ông Ted Cruz.

"Thượng nghị sĩ Cruz hy vọng rằng chính quyền ông Biden sẽ đáp ứng các yêu cầu pháp lý bắt buộc nhằm áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ tàu thuyền hoặc công ty bảo hiểm nào liên quan đến hoạt động lắp đặt đường ống trên, một phần bởi ông ấy biết Bộ Ngoại giao đã có tất cả thông tin cần thiết để áp đặt lệnh trừng phạt. Ông Cruz đã sẵn sàng sử dụng tất cả quyền của ông ấy ở Thượng viện để bảo đảm họ đáp ứng yêu cầu này", người phát ngôn của ông Cruz là Jessica Skaggs cho hay.

Đạt Quốc