Mỹ thực sự cần đồng USD kỹ thuật số?

- Thứ Năm, 01/04/2021, 07:43 - Chia sẻ
Sự phát triển nhanh chóng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang khiến Mỹ lo ngại có thể bị tụt lại trong cuộc đua đổi mới công nghệ tài chính. Gần đây, ý tưởng về đồng bạc xanh kỹ thuật số đã nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jay Powell. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, lợi thế của đồng dollar kỹ thuật số sẽ cần được cân nhắc so với chi phí và rủi ro tiềm ẩn của nó đối với hệ thống tài chính.

Ý tưởng về đồng dollar kỹ thuật số đã có từ lâu, nhưng gần đây trở nên rõ ràng hơn khi được chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jay Powell đề cập. Tại một sự kiện vào tháng 2, bà Yellen đã đánh dấu một bước hiện thực hóa ý tưởng này khi nói điều đó “hoàn toàn đáng để xem xét”. Trong một phát biểu trước Quốc hội ngày hôm sau, ông Powell gọi đồng USD kỹ thuật số là “dự án ưu tiên cao đối với chúng tôi”.

Mối lo ngại thiếu căn cứ

Một số người coi đây là “mặt trận khác” trong cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần như chắc chắn sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên triển khai tiền kỹ thuật số, chậm nhất là vào năm 2022. Có những lo ngại cho rằng, nếu không hành động nhanh chóng, nước Mỹ sẽ bị tụt lại. Hệ thống tài chính của Mỹ sẽ vẫn mắc kẹt trong thế kỷ XX, gây tổn hại khả năng cạnh tranh quốc gia. Vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền quốc tế thống trị sẽ bị xói mòn khi sử dụng đơn vị tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc dễ dàng và phổ biến hơn trong các giao dịch xuyên biên giới. Khi đó, Mỹ sẽ lãng phí đòn bẩy tài chính và tiền tệ mạnh nhất mà họ đang sở hữu.

Trên thực tế, những lo ngại như vậy là thiếu căn cứ hoặc vô cùng phiến diện. Động lực chính thúc đẩy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số là tạo ra một giải pháp thay thế giúp chính phủ kiểm soát hai nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn đang rất phát triển nhưng lại được quản lý lỏng lẻo là Alipay và WeChat Pay.

WeChat Pay, thuộc ông trùm Internet Tencent, có 900 triệu người dùng hàng tháng và chiếm 40% thị phần trong nước, so với 500 triệu người và 54% thị phần của Alipay (do Ant Financial thuộc Alibaba sở hữu). Điểm mạnh nhất của Alipay và WeChat Pay là ai cũng có thể nhận và gửi tiền qua di động mà không cần đăng ký hay thiết bị tốn kém (máy đọc thẻ/chip). Ngay cả khi không có điện thoại, ai cũng có thể tạo mã QR, in ra giấy, để người khác quét lên khi muốn thanh toán cho mình. Việc tải và dùng các app cũng đơn giản hơn nhiều so với làm thủ tục đăng ký thẻ tín dụng từ ngân hàng thương mại.

Các ứng dụng thanh toán di động như vậy là cơn ác mộng của ngân hàng và hệ thống thẻ thanh toán toàn cầu, vì nó có thể thực hiện dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều. Sự phổ biến của Alipay và WeChat Pay khiến giới chức Trung Quốc lo ngại có thể mất quyền kiểm soát các luồng thanh toán qua nền kinh tế. Bởi hai nền tảng này sử dụng thông tin các khoản thanh toán để thông báo về hoạt động cho vay của họ, nên khi người dân càng sử dụng nhiều dịch vụ của Alipay và WeChat Pay, thì nguy cơ chính quyền mất kiểm soát các dòng tài chính và phân bổ tín dụng càng cao. Do đó, quyết tâm phát hành tiền kỹ thuật số là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái nhằm ngăn chặn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, công ty mẹ của Alipay.

Chính phủ Mỹ không phải đối mặt với những nguy cơ tương tự. Tại Mỹ, có rất nhiều nền tảng khác thanh toán trực tuyến, như PayPal, Stripe và Square. Nhưng tất cả giao dịch của các nền tảng này cuối cùng đều được ngân hàng giải quyết và thông qua Fedwire, hệ thống nội bộ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) để thanh toán các giao dịch liên ngân hàng. Visa, Mastercard, Discover và American Express xử lý phần lớn các khoản thanh toán dựa trên thẻ, nhưng thẻ thực tế của chúng được phát hành bởi các ngân hàng, được quản lý, hạn chế rủi ro đối với hệ thống thanh toán và tài chính.

Hơn nữa, đồng Nhân dân tệ thua xa đồng bạc xanh với tư cách là một đơn vị tiền tệ quốc tế. Hiện tại, tiền tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong các khoản thanh toán xuyên biên giới toàn cầu, một tỷ trọng không đáng kể so với mức 38% của đồng USD.

Chắc chắn, sự tiện lợi của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong các giao dịch xuyên biên giới. Nhưng đồng tiền kỹ thuật số đó cũng có thể có “cửa hậu”, cho phép chính quyền Trung Quốc theo dõi các giao dịch và xác định những người thực hiện chúng, một yếu tố có thể không khuyến khích bên thứ ba sử dụng. Với điều này, thật khó để coi đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu.

Ai thực sự cần?

Vì vậy, cần có những lý do thuyết phục khác để giải thích cho nỗ lực tạo ra đồng USD kỹ thuật số. Hợp lý nhất có lẽ là khả năng phổ cập dịch vụ tài chính đến người dân. Thực tế, người Mỹ không có thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng (những người hoàn toàn dựa vào tiền mặt) không chỉ bị từ chối dịch vụ tài chính mà còn cả các dịch vụ khác. Một số dịch vụ, chẳng hạn mạng rideshares (chuyên chia sẻ ý tưởng, tài liệu, thông tin), yêu cầu người dùng liên kết ứng dụng với thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để có thể nhận được dịch vụ. Nếu không có thẻ sẽ không thể kích hoạt dịch vụ. Và nếu bạn không có tài khoản ngân hàng thì sẽ không thể phát hành thẻ.

Với nhà quản lý, có thể hình dung ra khó khăn khi Bộ Tài chính Mỹ phải chuyển các khoản cứu trợ đại dịch đến những người dân không có tài khoản ngân hàng. Việc phát tiền mặt cho người dân trong bối cảnh nước này đang áp đặt biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Mọi thứ sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều nếu mọi cá nhân đều có ví điện tử do FED cấp để có thể gửi tiền kỹ thuật số vào đó.

Đồng dollar kỹ thuật số cũng có thể giúp giảm bớt chi phí cắt cổ của việc chuyển tiền xuyên biên giới. Tất nhiên đó là trong trường hợp các chính phủ nước ngoài miễn cưỡng cho phép công dân của họ cài đặt ví kỹ thuật số của FED, điều mà có thể khiến họ và các ngân hàng trung ương không thể thực thi các biện pháp kiểm soát vốn mà họ coi là công cụ bảo mật vĩ mô.

Ngoài ra, ví kỹ thuật số của FED có thể tương thích với các ví kỹ thuật số nước ngoài. Nhưng khả năng tương tác đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương về các chi tiết của công nghệ và bảo mật. Mặc dù các nước đang nghiên cứu hướng đi này nhưng phải thành thật nói rằng, để ý tưởng trên có thể trở thành hiện thực không phải là nhiệm vụ dễ dàng, phải mất nhiều thời gian nữa.

Cuối cùng, các chuyên gia Mỹ đặc biệt lưu ý, phải đánh giá những lợi thế nói trên trên cơ sở so sánh với chi phí và rủi ro của việc số hóa đồng USD. Nếu mọi người chuyển tiền tiết kiệm từ ngân hàng sang ví kỹ thuật số, khả năng cho vay của các ngân hàng sẽ bị giảm sút. Một số ngân hàng sẽ đóng cửa, và các doanh nghiệp nhỏ dựa vào ngân hàng để cấp tín dụng có thể sẽ khó hoạt động.

Hơn nữa, mạng lưới thanh toán bán lẻ do FED điều hành sẽ là một mục tiêu phong phú cho tin tặc và những kẻ khủng bố kỹ thuật số. An ninh và ổn định tài chính là yếu tố quan trọng hơn cả và tốt hơn hết nên được ưu tiên.

Vì thế, mặc dù ý tưởng phát triển đồng USD kỹ thuật số có thể đáng được cả Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xem xét, nhưng nó có thể thất bại nếu không đánh giá đúng lợi ích và rủi ro, nhất là không nên vội vã coi nhiệm vụ này như là yêu cầu cấp bách trong cuộc chạy đua với Trung Quốc.

Theo PS

Đạt Quốc