Mỹ thuật 30 năm đổi mới
Hơn 50 nghệ sĩ tạo hình có dấu ấn nghệ thuật trong 30 năm qua sẽ tụ họp trong triển lãm nghệ thuật Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 21 - 29.9. Triển lãm là dịp tổng kết, đánh giá thành tựu của mỹ thuật nước nhà giai đoạn này.
Mỗi nghệ sĩ một tác phẩm
Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, lấy dấu mốc từ năm 1986, thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới của đất nước. Trong 30 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, mỹ thuật Việt Nam đã có nhiều biến đổi, phát triển, hòa nhập với với khu vực và quốc tế. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại.
Khác các triển lãm mỹ thuật toàn quốc từ trước đến nay, Ban tổ chức Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) không thành lập hội đồng nghệ thuật, mà chỉ có 3 giám tuyển: Vi Kiến Thành, Phạm Hà Hải và Nguyễn Đức Bình. Họ đề cử, chủ động mời nghệ sĩ; không theo cách thức thông báo rồi nghệ sĩ đăng ký tham dự. Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ sẽ mang tới một tác phẩm, không hạn chế về loại hình, do chính họ lựa chọn.
Tại sao Ban tổ chức không chọn tác giả từng giành giải thưởng Nhà nước, hoặc tác giả đã được giải thưởng của các triển lãm mỹ thuật toàn quốc? Giám tuyển Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Giải thưởng Nhà nước và các triển lãm dựa trên sự đánh giá của hội đồng khác. Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) mang nhãn quan, điểm nhìn riêng. Các giám tuyển đã đắn đo làm việc mấy tháng trời để tìm ra danh sách nghệ sĩ đủ tin tưởng về mặt nghệ thuật và hoạt động. Các nghệ sĩ đã thành danh và có ý thức tốt về nghệ thuật. Rất may là 3 giám tuyển có quan điểm tương đồng, và khi đưa ra danh sách nghệ sĩ tham dự, phần lớn giới chuyên môn đồng tình”.
![]() Phố cổ Hà Nội - sơn dầu của Trần Lưu Hậu, 1997 |
Vinh danh một thế hệ
Khi có ý tưởng về triển lãm, Ban tổ chức dự kiến lựa chọn trên 100 nghệ sĩ, nhưng trong bối cảnh không có địa điểm đủ rộng để trưng bày, số lượng đề cử đã được rút xuống còn hơn 50. Tiêu chí lựa chọn là tác giả có dấu ấn về tạo hình, có ngôn ngữ mới, ảnh hưởng trong hoạt động nghệ thuật đến với công chúng, nghề nghiệp trong 30 năm qua. Theo danh sách nghệ sĩ tham dự hiện nay, lớn tuổi nhất là họa sĩ Trần Lưu Hậu (sinh năm 1928), thuộc thế hệ họa sĩ học khóa Tô Ngọc Vân trên chiến khu Việt Bắc. Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Trẻ nhất là Thái Nhật Minh (sinh năm 1984), người duy nhất thuộc thế hệ 8X, được đặt nhiều kỳ vọng. Trong danh sách nghệ sĩ tham dự, đông đảo nhất là thế hệ 6X, 5X, là thế hệ tham gia trực tiếp, có nhiều đóng góp trong giai đoạn đổi mới. Danh sách tham dự có tên của 4 nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi, Đinh Thị Thắm Poong, Ly Hoàng Ly và Lý Trần Quỳnh Giang.
Trong triển lãm còn có sự tham gia của hai nghệ sĩ Trần Trọng Vũ và Trương Tân. Dù đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng trong thời điểm bước vào giai đoạn đổi mới, họ đã trực tiếp làm việc và đóng góp vào thành tựu mỹ thuật Việt Nam. Cố họa sĩ Vũ Dân Tân chưa bao giờ góp mặt trong các hoạt động mỹ thuật mang tính chính thống của nhà nước, thì lần này cũng có tác phẩm trưng bày, nhằm ghi nhận ông như người đưa nghệ thuật mới vào Việt Nam, phát triển nó, đặc biệt là salon Natasha - nơi sinh hoạt của các họa sĩ vào cuối thập niên 1980, đầu 1990...
Triển lãm Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) vinh danh một thế hệ họa sĩ đã đóng góp vào thành tựu của mỹ thuật Việt Nam trong thời gian dài. Đây cũng là dịp tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về phía quản lý nhà nước và nghệ sĩ, nhằm phát huy các thành tựu và khắc phục những điều chưa làm được của nền mỹ thuật nước nhà.