Algeria, quốc gia vừa trở thành thành viên không thường trực của HĐBA từ tháng 1.2024, vừa trình lên cơ quan này dự thảo nghị quyết đầu tiên cách đây hơn hai tuần vàđã yêu cầu HĐBA tiến hành bỏ phiếu vào ngày 20.2. Để được thông qua, nghị quyết của HĐBA cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có bất kỳ lá phiếu phủ quyết nào của Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Nga. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhanh chóng cho biết văn bản này có thể gây bất lợi cho “các cuộc đàm phán nhạy cảm” nhằm chấm dứt chiến tranh ở Trung Đông.
“Mỹ không ủng hộ việc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết này. Nếu nó được đưa ra bỏ phiếu, Mỹ sẽ phủ quyết”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Thomas-Greenfield cho biết trong một tuyên bố.
Washington có truyền thống bảo vệ đồng minh Israelvà đã hai lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA liên quan đến lệnh ngừng bắn kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã bỏ phiếu trắng hai lần, cho phép HĐBA thông qua các nghị quyết nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza và kêu gọi ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp.
Hiện tại, đang diễn ra cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.
Đại sứ Thomas-Greenfield nói: “Điều quan trọng là các bên khác phải tạo điều kiện để quá trình đàm phán có khả năng thành công cao nhất, thay vì thúc đẩy các biện pháp khiến cơ hội giải quyết một cách triệt để tình trạng thù địch gặp nguy hiểm”.
Cuộc bỏ phiếu của HĐBA sẽ diễn ra trong bối cảnh Israel vừa lên kế hoạch tấn công Rafah ở miền nam Gaza, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang tìm nơi trú ẩn, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: “Tình hình ở Gaza là một bản cáo trạng kinh hoàng về sự bế tắc trong các mối quan hệ toàn cầu”. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric giải thích ông Guterres đang ám chỉ tình trạng thiếu đoàn kết trong HĐBA và điều này đang ngăn cản khả năng hành động của cơ quan chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh của thế giới.