Pháp luật một số nước về Chống lãng phí thực phẩm

Mỹ: Mục tiêu giảm một nửa lãng phí

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:37 - Chia sẻ
Hiện nay, khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên thế giới, tương đương 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm. Bản thân nước Mỹ đã phải chi tới 218 tỷ USD để xử lý, phân phối và thải bỏ thực phẩm thừa hàng năm, trong khi 41 triệu dân nước này từng đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2016. Thực tế trên buộc các nhà lập pháp xứ sở cờ hoa phải tăng tốc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về chống lãng phí thực phẩm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành mạnh.

Điều chỉnh ở cấp Liên bang

Số liệu năm 2017 cho biết, khoảng 40% lượng thực phẩm được sản xuất ở Mỹ bị lãng phí. Rác thải được sản sinh ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng - từ trang trại (16%), nhà sản xuất (2%), doanh nghiệp (39%) và hộ gia đình (43%). Mỗi tấn thực phẩm bị lãng phí tạo ra 3,8 tấn khí thải nhà kính trên thế giới. Ở Mỹ, thực phẩm lãng phí tạo ra hơn 20% lượng khí methane thải ra hàng năm. Thức ăn thừa không chỉ là rác vào thùng. Đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn cần một lượng lớn tài nguyên như năng lượng, đất và nước.

Việc thu hồi tất cả thực phẩm bị lãng phí có thể nuôi sống thêm nhiều người gặp khó khăn, tiết kiệm tiền cho các gia đình và doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và thậm chí có thể tạo ra các cơ hội thị trường mới trong ngành công nghiệp thực phẩm. Vì vậy, ngày 16.9.2015, Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ đã công bố mục tiêu giảm một nửa thất thoát và lãng phí lương thực vào năm 2030.

Ở nhánh lập pháp, Luật Quyên góp thực phẩm Bill Emerson đã được Quốc hội thông qua tháng 10.1996, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân quyên góp thực phẩm chưa sử dụng. Luật giảm trách nhiệm cho họ khi quyên góp thực phẩm không mong muốn cho các tổ chức từ thiện và ngân hàng thực phẩm.

Bằng cách ban hành luật trên, Quốc hội Mỹ muốn bảo vệ những người muốn cung cấp thức ăn và phân phối thực phẩm cho người nghèo. Luật được hỗ trợ bởi nhiều luật tương tự khác về chống lãng phí thực phẩm như Luật Bảo vệ tình nguyện viên 199722 (giảm trách nhiệm cho các tổ chức phi lợi nhuận và tình nguyện viên chính phủ), Luật Quyên góp thực phẩm liên bang năm 2008 (yêu cầu ngôn ngữ của tất cả các hợp đồng liên bang trên 25.000 USD phải khuyến khích quyên góp bất kỳ thực phẩm dư thừa nào), và Chương trình Hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp (cho phép Bộ trưởng Nông nghiệp hỗ trợ tiền cho các cơ quan tham gia vào các sáng kiến thu lượm thực phẩm dư thừa).

Luật liên bang hiện hành cũng cho phép Bộ trưởng Nông nghiệp phân phối các khoản tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các cộng đồng nghèo khó, khuyến khích các Chợ Nông sản do Bộ Nông nghiệp tổ chức quyên góp thực phẩm dư thừa vào cuối mỗi ngày họp chợ, và khấu trừ thuế cho các tập đoàn quyên góp thực phẩm không dùng đến...

Nguồn: Reuters

Hành động của các bang

Hơn 33 dự luật giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến lãng phí thực phẩm đã được đưa ra ở 12 bang của Mỹ chỉ riêng trong năm 2017. Chẳng hạn, đối với vấn đề trách nhiệm pháp lý, tất cả 50 bang đã thông qua luật trách nhiệm pháp lý về các hoạt động chống lãng phí thực phẩm của riêng mình nhằm bảo vệ những tổ chức và cá nhân quyên góp. 18 bang bảo vệ các ngân hàng thực phẩm. 8 bang, gồm Arizona, California, Louisiana, Massachusetts, Minnesota, New Hampshire, New Mexico và Vermont, bảo vệ các khoản đóng góp trực tiếp cho những người cần. Ba bang như  California, Nevada và Oregon cung cấp bảo vệ bất kể việc phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn nhất định của hàng quyên góp. California và Massachusetts bảo vệ việc quyên góp thực phẩm đã qua ngày hết hạn…

Về ưu đãi thuế, nông dân và doanh nghiệp nhỏ phải chịu một khoản chi phí đáng kể để thu hoạch, chuẩn bị và dự trữ thực phẩm để tặng và quyên góp vì nếu không thực phẩm sẽ bị hỏng và bị loại bỏ. Mặc dù các ưu đãi thuế đã được ghi ở luật liên bang, nhưng những yêu cầu giảm thuế thường rất khó được chấp nhận. Do đó, các ưu đãi thuế của các bang có thể giúp bù đắp chi phí cho các nhà tài trợ ở mọi quy mô. 10 tiểu bang gồm Arizona, California, Colorado, Iowa, Kentucky, Missouri, Oregon, South Carolina, Virginia và Tây Virginia, cùng với Đặc khu Columbia cung cấp ưu đãi thuế cho việc quyên góp thực phẩm. Arizona khấu trừ thuế; nhiều bang khác cung cấp các khoản tín dụng từ 10 - 50% giá trị của thực phẩm được tặng…

Đối với vấn đề ghi nhãn ngày tháng, nhãn trên các sản phẩm thực phẩm thường ghi những thông số như “bán bởi, sử dụng bởi, sử dụng tốt nhất đến…”. Đây thường là những chỉ số về chất lượng, không phải chỉ số an toàn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn còn bối rối trước sự đa dạng chóng mặt của các loại nhãn mác, dẫn đến lượng thực phẩm bị ném vào thùng rác nhiều hơn. Vì vậy, một số bang đã yêu cầu các nhãn thực phẩm phải được ghi rõ không chỉ thời gian sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất mà còn cả ngày tháng sản phẩm còn an toàn đối với sức khỏe con người..

Về vấn đề cấm chất thải hữu cơ, nhiều bang đưa ra các lệnh cấm các thực thể tạo ra một lượng lớn chất thải thực phẩm gửi đến các bãi chôn lấp. Nó buộc các nhà phát sinh chất thải thực phẩm phải giảm sản lượng và xử lý tốt hơn chất thải mà họ không thể loại bỏ, bằng cách hiến tặng, ủ phân hoặc phân hủy yếm khí (quá trình biến chất thải thực phẩm thành khí sinh học)…

Năm tiểu bang gồm: California, Connecticut, Massachusetts, Rhode Island và Vermont, đã thông qua luật về ngăn chặn vứt thực phẩm vào các bãi chôn lấp. Tương tự, các nhà lập pháp bang  Maryland “bật đèn xanh” cho một nghiên cứu trong năm 2017 (HB 171) về các phương pháp cải thiện cơ sở hạ tầng làm phân trộn và chuyển chất thải thực phẩm khỏi các bãi chôn lấp. Trong khi đó, luật của California bắt buộc phải tái chế. Đây là một phần trong cam kết của bang nhằm loại bỏ 50% rác thải thực phẩm vào năm 2020 và 75% vào năm 2025. California cũng cam kết thu hồi 20% rác thải thực phẩm ăn được cho con người.

Ngọc Minh