Chiến thắng của các cô gái bóng rổ giúp Mỹ san bằng 40 HCV của Trung Quốc, song nhiều hơn Trung Quốc 16 HCB (44 HCB); số HCĐ của Mỹ cũng nhiều hơn, 42 so với 24.
Mỹ dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương 7/8 kỳ Olympics gần nhất, chỉ về nhì tại Bắc Kinh 2008. Ở Tokyo 2020, Mỹ đứng nhất với 39 HCV, chỉ hơn Trung Quốc 1 HCV và thứ bậc cũng chỉ được xác định vào ngày thi đấu cuối cùng.
Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh ở hai môn Olympic quan trọng nhất là bơi và điền kinh, với lần lượt 8 HCV và 14 HCV. Mỹ cũng là đoàn duy nhất giành trên 100 huy chương các loại (126 huy chương).
Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện sự nổi trội ở những môn đòi hỏi kỹ thuật khó, hoặc không phải cạnh tranh thể chất và đối kháng. Họ giành trọn 8 HCV nhảy cầu, trong khi bóng bàn, bắn súng và cử tạ cùng giành 5 HCV.
Vị trí thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương thuộc về Nhật Bản với 20 HCV, 12 HCB và 13 HCĐ. Tiếp theo là Australia 18 HCV, 19 HCB, 16 HCĐ. Chủ nhà Pháp xếp thứ 5 với 16 HCV, 26 HCB, 22 HCĐ.
Khu vực Đông Nam Á, Philippines dẫn đầu khi đứng thứ 37, với 2 HCV và 2 HCĐ. Indonesia đứng thứ 39 (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan thứ 44 (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia thứ 80 (2 HCĐ) và Singapore thứ 84 (1 HCĐ).
Đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào. Thành tích tốt nhất của vận động viên Việt Nam tại Olympics 2024 là ở môn bắn súng khi xạ thủ Trịnh Thu Vinh lọt vào chung kết 2 nội dung. Cô đứng thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và thứ 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ.