Cuối ngày 3.10 (giờ địa phương), Nghiệp đoàn Công nhân Cảng biển Quốc tế (ILA) đại diện cho 85.000 công nhân và Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) đại diện cho nhóm sử dụng lao động đã chính thức đạt được thỏa thuận sơ bộ.
Trong thỏa thuận sơ bộ mới thông qua, mức lương của người lao động sẽ tăng khoảng 62% trong vòng 6 năm. Cả hai bên tuyên bố hợp đồng trước mắt sẽ có thời hạn đến ngày 15.1.2025, sau đó sẽ trở lại bàn đàm phán để thương lượng những vấn đề còn chưa giải quyết xong.
Thỏa thuận sơ bộ chấm dứt cuộc đình công kéo dài suốt 3 ngày với quy mô lớn nhất trong gần 50 năm qua.
Trước đó ILA và USMX đã mâu thuẫn về vấn đề tiền lương khi công đoàn công nhân yêu cầu tăng lương 77% trong vòng 6 năm còn các nhà sử dụng lao động đề nghị mức tăng 40 - 50% trong cùng giai đoạn, dẫn tới cuộc đình công của các công nhân cảng biển khắp bờ Đông nước Mỹ, gây gián đoạn vận tải hàng hải.
Cuộc đình công đã khiến hoạt động tại hầu hết 36 cảng biển lớn ở bờ Đông nước Mỹ đình trệ. Ít nhất 45 tàu hàng container phải neo đậu tại ngoài khơi các cảng biển do không được xử lý, không thể dỡ hàng, trong khi các cảng bờ Đông vốn là nơi xử lý hơn 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, các cảng biển tạm dừng hoạt động không khiến giá cả tiêu dùng tăng ngay lập tức, nhưng sẽ tác động tới một số mặt hàng nhất định, bao gồm các thực phẩm dễ hư hỏng như hoa quả, cà phê, hải sản...
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đứng về phía người lao động, gây áp lực cho các nhà sử dụng lao động phải trích một phần trong lợi nhuận từ hoạt động vận tải biển, đảm bảo đạt được thỏa thuận với công nhân.
Bất chấp Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia cùng 272 hiệp hội thương mại đề nghị sử dụng quyền lực trong Đạo luật Quan hệ Quản lý Lao động (Taft-Hartley), chính quyền Mỹ vẫn kiên quyết không có ý định áp dụng đạo luật này để dừng các cuộc đình công nhằm duy trì sự ủng hộ của các công đoàn đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.