Mỹ cân nhắc nới lỏng khuyến cáo về rượu bia: Đi ngược lại xu hướng toàn cầu?
Mỹ đang cân nhắc thay đổi khuyến cáo quốc gia về rượu bia, theo hướng bỏ giới hạn số ly mỗi ngày - động thái đi ngược lại xu hướng toàn cầu đang siết chặt tiêu thụ đồ uống có cồn vì lý do sức khỏe cộng đồng.

Từ nhiều năm qua, hướng dẫn dinh dưỡng chính thức của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo rõ ràng: phụ nữ nên giới hạn ở mức một đơn vị đồ uống có cồn mỗi ngày, còn nam giới được phép gấp đôi con số đó. Một đơn vị này có thể là một chai bia, một ly rượu vang trung bình hoặc một chén rượu mạnh theo chuẩn của nước này.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong lần rà soát định kỳ, có thể được công bố sớm nhất là trong tháng này, các cơ quan y tế và nông nghiệp Mỹ đang cân nhắc một thay đổi lớn: loại bỏ giới hạn định lượng, thay vào đó chỉ khuyến nghị người dân “uống có chừng mực” hoặc hạn chế lượng rượu bia tiêu thụ do những rủi ro liên quan đến sức khỏe.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất rượu ở Mỹ đã tăng mạnh ngay sau thông báo này.
“Uống có chừng mực”?
Cụm từ “uống có chừng mực” tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là một khái niệm đầy tranh cãi. Kết quả khảo sát của tạp chí The Economist và tổ chức YouGov trên hơn 1.600 người Mỹ cho thấy, mỗi người có một cách hiểu khác nhau về “chừng mực”.

Trung bình, nam giới cho rằng uống 2,1 ly mỗi ngày vẫn là hợp lý, trong khi phụ nữ đưa ra mức 1,6 ly. Tuy nhiên, đáng chú ý là khoảng 1/4 số người được hỏi, cả nam lẫn nữ, cho rằng “chừng mực” đồng nghĩa với không uống rượu bia hoàn toàn. Ở chiều ngược lại, hơn 25% nam giới và 10% phụ nữ vẫn xem việc uống bốn ly trở lên mỗi ngày là “vừa phải”.

Việc xác định “uống có chừng mực” không chỉ gây bối rối với người dân, mà còn là thách thức với giới khoa học và các nhà làm chính sách. Tác hại của việc uống rượu quá mức đối với sức khỏe là điều không cần bàn cãi, nó liên quan đến hàng loạt bệnh lý, từ tim mạch, gan đến ung thư.
Tuy nhiên, tác động của việc uống nhẹ hoặc vừa phải vẫn còn là chủ đề gây tranh luận. Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ ít rượu có thể mang lại lợi ích cho tim mạch hoặc tâm lý xã hội, trong khi các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng lợi ích đó chỉ là “ảo giác thống kê”, bởi người uống ít thường đi kèm với lối sống lành mạnh hơn về tổng thể.
Đi ngược với thế giới?
Mỹ hiện đang thuộc nhóm các quốc gia nới lỏng nhất trong việc đưa ra giới hạn tiêu thụ rượu bia. Ví dụ, Anh khuyến cáo cả nam và nữ không nên uống quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần, tương đương khoảng tám ly theo chuẩn Mỹ. Một số quốc gia châu Âu cũng đặt giới hạn tương tự, song đơn vị đo chuẩn của họ nhỏ hơn khoảng 1/3 so với Mỹ.
Nếu đề xuất loại bỏ giới hạn định lượng tiêu thụ đồ uống có cồn được Mỹ thông qua, điều này sẽ đi ngược lại xu hướng toàn cầu hiện nay, nơi các quốc gia đang siết chặt dần giới hạn tiêu thụ rượu bia. Thêm vào đó, chính trong nội bộ nước Mỹ cũng đã có những cảnh báo gần đây. Hồi đầu năm này, ông Vivek Murthy, khi còn là Tổng Y sĩ Mỹ, đã phát đi cảnh báo chính thức về rượu, gọi đây là nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh đứng thứ ba, chỉ sau thuốc lá và béo phì.

Việc nới lỏng cũng gây bất ngờ khi đặt trong bối cảnh người đứng đầu Bộ Y tế là Bộ trưởng Robert F. Kennedy Jr. - một người kiêng hoàn toàn rượu bia và từng vận động với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ khỏe mạnh trở lại”.
Dù vậy, ngay cả khi được ban hành, các khuyến cáo y tế này cũng có thể bị người dân Mỹ ngó lơ. Theo khảo sát, chỉ 28% cử tri thuộc Đảng Cộng hòa cho biết họ coi trọng lời khuyên của y tế công cộng về rượu bia. Tỷ lệ này ở cử tri Dân chủ là hơn một nửa.
Dường như, trong bối cảnh hiện nay, “uống có chừng mực” không còn là một tiêu chuẩn y tế khách quan, mà phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của từng cá nhân, hay như cách nói hài hước của người Mỹ: “Chừng mực là do... người cầm ly quyết định”.