Mỹ - Trung "nắn gân" nhau

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:32 - Chia sẻ
Không nằm ngoài dự đoán, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong hai ngày 25 - 26.7 tại thành phố Thiên Tân diễn ra trong bầu không khí kém hữu nghị. Hai bên đều tranh thủ cơ hội này để tỏ rõ lập trường cứng rắn, "nắn gân" nhau.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Thiên Tân
Nguồn: CNN

3 lằn ranh đỏ

Tại cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại TP. Thiên Tân, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục các chính sách “khắc nghiệt và sai lầm” chống lại Bắc Kinh là do nhận thức của Mỹ về Trung Quốc “có vấn đề”, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, sự phát triển của Trung Quốc không nhằm thách thức Mỹ, cũng như nhằm thay thế Mỹ, Trung Quốc không có “hứng thú” trong cuộc đua thắng thua với Mỹ, đồng thời ông này cũng khẳng định, lập trường của Trung Quốc là mỗi bên nên tìm con đường phát triển phù hợp với tình hình của nước mình. Ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực nhằm vào các quan chức, sinh viên và doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như xóa bỏ chính sách áp thuế với hàng hóa Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Vạch ra ba lằn ranh đỏ đối với Mỹ, ông Vương Nghị cảnh báo Washington không được vượt qua những ranh giới đó nhằm kiểm soát tốt những bất đồng giữa hai bên, ngăn ngừa quan hệ Trung - Mỹ “trượt dốc”. Ba lằn ranh đỏ này bao gồm: Mỹ không được thách thức, phá hoại hoặc có ý đồ thay đổi chế độ và con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; Mỹ không được có ý đồ ngăn cản hoặc gây cản trở sự phát triển của Trung Quốc và cuối cùng là Mỹ không được xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc cũng như phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc như Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan.

Trước cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, bà Wendy Sherman đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong. Trong cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong nói rằng, mối quan hệ Trung - Mỹ đang rơi vào bế tắc. Ông cáo buộc Mỹ đang coi Trung Quốc như một "kẻ thù tưởng tượng", đang tàn ác hóa đất nước ông. Ông Tạ Phong cũng cáo buộc Mỹ đang áp đặt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của riêng mình lên các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi một "kiểu quan hệ quốc tế mới" coi trọng sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và "hợp tác cùng có lợi" giữa các nước khác. Tại họp báo sau đó, ông Tạ cho biết, đã đưa cho phái đoàn Mỹ hai bản danh sách, gồm danh sách những hành động Mỹ cần chấm dứt và danh sách những vấn đề khiến Trung Quốc quan ngại hàng đầu. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra các yêu cầu cụ thể dành cho Mỹ để cải thiện quan hệ.

Theo tờ South China Morning Post, cuộc họp giữa ông Vương Nghị, Tạ Phong với bà Wendy Sherman ngày 26.7 để cứu quan hệ song phương kết thúc mà không có tiến triển thực sự. Mặc dù Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman trong cuộc trao đổi với các nhà ngoại giao Trung Quốc đều khẳng định, quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ quan trọng nhất trên thế giới hiện nay, nhấn mạnh việc duy trì các kênh liên lạc giữa hai bên, hoan nghênh sự cạnh tranh giữa hai bên đồng thời sẽ tiếp tục củng cố sự cạnh tranh này; tuy nhiên, bà cũng không quên bày tỏ quan ngại của Mỹ về một loạt các vấn đề như tình hình dân chủ nhân quyền tại Hong Kong, vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, các hành vi của Trung Quốc trong không gian mạng, tình hình eo biển Đài Loan, Biển Đông...

Cơ hội cho đàm phán

Bà Sherman là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức cách đây 6 tháng. Dù khác biệt về quan điểm, các nhà ngoại giao vẫn chừa cơ hội cho các cuộc đàm phán trong tương lai và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định mục tiêu chuyến đi của bà Sherman không phải để giải quyết mâu thuẫn, mà là duy trì các kênh liên lạc cấp cao nhằm ngăn chặn cạnh tranh Mỹ - Trung biến thành xung đột.

Nhận định quan hệ Mỹ - Trung hiện ở mức "thấp chưa từng thấy", chuyên gia Willy Lam của Trường Đại học Trung văn Hương Cảng (Trung Quốc) cho rằng các cuộc hội đàm như trên có thể tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) ở Ý vào tháng 10 tới. Dù vậy, ông Lam nhấn mạnh khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này vẫn là một ẩn số, đặc biệt là khi Trung Quốc trước đó đã khước từ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.

Bộ trưởng Austin trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Biden thăm Đông Nam Á, với mục tiêu củng cố liên minh đối phó Trung Quốc. Theo Reuters, trong các cuộc hội đàm ở Singapore (27.7), Việt Nam (28 và 29.7) và Philippines (29 và 30.7), ông chủ Lầu Năm Góc nêu quan điểm của Mỹ về những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một vùng biển rộng mở và tự do.

Chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định sự hiện diện của Bộ trưởng Austin là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong các chính sách của Tổng thống Biden. Theo một nhà ngoại giao giấu tên ở châu Á, Washington dường như đang hướng nhiều sự chú ý hơn đến khu vực này sau khi đã giải quyết những vấn đề toàn cầu khác, như quan hệ với Nga và châu Âu. Bộ trưởng Austin cần cân bằng giữa việc nhấn mạnh mối đe dọa Trung Quốc và chứng minh Washington xem Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là một mặt trận quân sự.

Đạt Quốc