Muôn người như một, cùng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh

- Thứ Ba, 03/08/2021, 05:34 - Chia sẻ
Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khơi dậy sức mạnh của dân tộc, để mọi người ở trong nước, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp, mọi dân tộc, tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài, miễn là những người mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng” phải đồng lòng, muôn người như một cùng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Lời kêu gọi gây xúc động cho mọi người dân Việt Nam, vì tình cảm đối với miền Nam ruột thịt, với Thủ đô và với bất cứ địa phương nào có dịch, cần có sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa bằng sức mạnh của tình người, sức mạnh của một dân tộc anh dũng, hào hùng.

Đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa

- Vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông có cảm xúc thế nào khi đọc Lời kêu gọi?

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!

Tổng Bí thư 

NGUYỄN PHÚ TRỌNG

- Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và ngay tại Thủ đô Hà Nội. Trước đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… Có thể thấy, bằng những hành động thiết thực và cụ thể, nước ta đã vượt qua ba đợt bùng phát dịch Covid-19, với những kết quả khá tích cực, hạn chế thấp nhất những tổn thất do đại dịch gây ra.

Nhưng, để tiếp tục huy động sức mạnh cả dân tộc, mà nòng cốt là sức mạnh của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư đã ra Lời kêu gọi gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư làm tôi nhớ lại hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi, đó là: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946 và Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11.6.1948. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến có đoạn: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng mong muốn khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, người đứng đầu Đảng ta kêu gọi toàn thể Nhân dân “đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, để mọi người ở trong nước, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp, mọi dân tộc, tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài, miễn là những người mang trong mình dòng máu “con Lạc cháu Hồng” phải đồng lòng, muôn người như một cùng ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Lời kêu gọi gây xúc động cho mọi người dân Việt Nam, vì tình cảm đối với miền Nam ruột thịt, với thủ đô và với bất cứ địa phương nào có dịch, cần phải có sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa bằng sức mạnh của tình người, sức mạnh của một dân tộc anh dũng, hào hùng.

- Khác với cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, Covid-19 là kẻ thù vô hình, nguy hiểm, mặc dù chúng ta đã nỗ lực huy động nhân lực, vật lực trong gần 2 năm nay nhưng tình hình dịch vẫn rất khó lường. Điều này cũng gây lo lắng, hoang mang trong dư luận, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 như một kẻ thù xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, không phải như đánh giặc ngoại xâm có đối tượng cụ thể, có chiến thuật rõ ràng. Đại dịch này, chúng ta không có tiền tuyến và hậu phương, không có bất cứ ranh giới nào rõ ràng, cho nên, hơn lúc nào hết, phòng phải là chính, là giải pháp cơ bản. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phòng với chống phải đi đôi với nhau, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh. Muốn vậy, cả nước phải cùng góp sức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động. Huy động sức mạnh toàn dân tộc để dập dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tháng 11.2018 
Ảnh: Trí Dũng

Chia ngọt sẻ bùi, đùm bọc lẫn nhau

- Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được đưa ra, như triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng, kêu gọi người dân ai ở đâu ở yên đó. Ông có suy nghĩ gì về các giải pháp này?

- Chúng ta có một hệ thống chính trị cùng đồng tâm và quyết liệt hành động, ngay sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu người dân tại khu vực áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở đấy”, tuyệt đối không di chuyển ra khỏi nơi cư trú, thì tại TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đề nghị người dân không nên tự về quê, “trước mắt, thành phố mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vaccine. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ”.

Hay, CDC Hà Nội đã khẩn thiết đề nghị tất cả người dân trên địa bàn TP. Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi… cần liên hệ ngay với trạm y tế phường/xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí. Điều đó cho thấy, không có chuyện chúng ta phân biệt người thường trú hay tạm trú tại thành phố. Đã là người ở thành phố đó đều có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi ngang nhau. Một tinh thần tương thân tương ái, “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Hơn nữa, trong tình hình này, việc người dân rời thành phố rất có khả năng sẽ mang dịch bệnh về quê hương. Chúng ta cần thể hiện tinh thần đồng chí, đồng bào, vì quê hương mình, vì sự gắn bó với nơi mình sinh ra, hay nơi đang sinh sống, làm việc. Không có câu chuyện khi thuận lợi anh ở, khi khó khăn anh bị bỏ lại, hơn lúc nào hết hãy chia ngọt sẻ bùi, đùm bọc lẫn nhau.

- Theo ông, để hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, mỗi người dân nên làm gì?

- Đây là lúc để mỗi người dân thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đồng bào. Chính phủ đã yêu cầu ai ở đâu, ở yên đó, tức là mọi người ở nhà đã là yêu nước, đây là điều kiện tiên quyết để giảm sự lây lan của đại dịch Covid-19, giúp chính quyền khoanh vùng và kiểm soát tốt hơn. Vừa qua có một số người vẫn cố ý không chấp hành quy định này, thản nhiên ra đường tập thể dục, hay trốn khỏi khu phong tỏa, khu cách ly, cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức tôn trọng cộng đồng còn yếu, phải không ngừng nâng cao hơn nữa.

Tôi cho rằng, càng trong khó khăn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta lại càng phải được phát huy. Mỗi người phải là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống Covid-19, cùng nhau dồn sức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đừng “bàn ra, tán vào”, mà hãy hợp lực để chiến thắng đại dịch Covid-19; bởi lẽ, bài học từ diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm cũng là dựa lực lượng vào dân, tinh thần của Nhân dân, để gây hạnh phúc cho dân, như Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Bác Hồ đã viết: “Với tinh thần quật cường, lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, nhất định thắng lợi”.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện