Muốn có quốc tịch chỉ cần đăng ký

Hồng Thúy 24/05/2008 00:00

Dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã tập trung giải quyết hai vấn đề bức xúc hiện nay là nguyên tắc một quốc tịch và tình trạng không quốc tịch của những người đã định cư lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam. NĐBND thứ Bảy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp xung quanh dự thảo luật này.

      - Theo xu hướng một quốc tịch mềm dẻo, sẽ có nhiều người có quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài hoặc tuy nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Dự thảo Luật đưa ra nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết xung đột này như thế nào? 
      - Để giải quyết các vấn đề phát sinh từ tình trạng hai hoặc nhiều Quốc tịch, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ ký kết với nước ngoài điều ước quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh. 
      - Tại sao dự thảo Luật lại không đưa ra nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết xung đột này? 
      - Tham khảo kinh nghiệm các nước có thể thấy, không có nước nào quy định về giải quyết xung đột quốc tịch trong Luật Quốc tịch cả. Cho đến nay, tất cả các nước đều phải thông qua con đường Hiệp định song phương, bởi vì nguyên tắc trong quan hệ quốc tế là bình đẳng giữa các quốc gia. Ví dụ, một cá nhân vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch Hoa Kỳ, thì việc giải quyết xung đột quốc tịch phải bằng sự đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chứ không thể bằng pháp luật Việt Nam, vì nếu như thế thì anh áp đặt pháp luật của nước anh lên pháp luật của nước khác, là vi phạm luật pháp quốc tế. 
      Gần đây nhất, trong một hội thảo quốc tế, trao đổi với các nước thấy Pháp- một nước gần như  chấp nhận đa quốc tịch, cũng sử dụng hiệp định song phương khi có vấn đề cần giải quyết. 

      - Nhiều ý kiến băn khoăn, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi mở rộng như vậy thì quyền và lợi ích của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông? 
      - Vấn đề được quan tâm nhiều trong quá trình soạn thảo và thẩm tra là quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như thế nào? Có người nói rằng Hiến pháp nói công dân Việt Nam đều bình đẳng. Vậy người Việt Nam định cư ở nước ngoài anh có thể thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ quân sự không, anh có được các quyền về chính trị như bầu cử, ứng cử, quyền về kinh tế khác không? Điều 7 Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 cũng như Điều 6 dự Luật lần này có một quy định rất hay, là nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân của mình phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước. 

      - Khi thẩm tra dự án Luật này, có ý kiến của Uỷ ban Pháp luật cho rằng dự án Luật chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc hiện nay, quan điểm của ông thế nào? 
      - Trong lĩnh vực quốc tịch hiện nay có hai vấn đề bức xúc. Thứ nhất là nguyên tắc một quốc tịch và thứ hai là tình trạng không quốc tịch của những người đã định cư lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam. Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã tập trung giải quyết hai vấn đề này. 
      Thứ nhất, nguyên tắc một quốc tịch cứng theo Luật năm 1998 hiện nay không còn phù hợp. Hội nhập quốc tế, việc công dân của nước này đến định cư làm ăn ở nước khác là chuyện bình thường. Chính sách đại đoàn kết dân tộc, coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam trong nước và phải có những chính sách cụ thể đối với những người này. Vì thế, dự thảo luật sửa đổi lần này đã chuyển từ một quốc tịch cứng sang quốc tịch mềm linh hoạt hơn bằng việc quy định những trường hợp đặc biệt.
      Thứ hai là mục tiêu giải quyết tình trạng không quốc tịch của những người định cư trong nước. Số người không rõ quốc tịch của nước ta khá nhiều. Từng có tình trạng người nước ngoài nhưng làm rẫy tại Đồng Nai, Việt Nam đến 2 – 3 đời nay. Tại Sơn La, một xã có trên 500 người không rõ quốc tịch. Vừa qua, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành rất nỗ lực cố gắng, nhưng vẫn không giải quyết được, vì theo Luật Quốc tịch 1998, thủ tục nhập quốc tịch cần rất nhiều điều kiện, chẳng hạn giấy tờ chứng minh quốc tịch, nhưng họ lại không thể có, kể cả tên, họ cũng chỉ gọi để biết vậy thôi chứ không có gì chứng minh, không có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, không có ai xác nhận rằng tên của anh là như thế này, họ thế này... Nếu không khẩn trương giải quyết vấn đề này thì cùng với thời gian số người không có quốc tịch có thể lên tới con số triệu. Vì thế, mục tiêu của Luật mở ra: Những người đã sinh sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 15 năm trở lên cho đến trước khi luật này có hiệu lực thì cho họ nhập quốc tịch bằng cách đăng ký. 
      Như vậy, theo tôi, dự án Luật lần này đã cơ bản giải quyết thấu đáo những búc xúc đang tồn tại trong lĩnh vực quốc tịch.  
      - Theo ông, quy định về việc đăng ký có quốc tịch Việt Nam đối với người không có quốc tịch và người không rõ quốc tịch nước nước nào đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có khả thi không, nhất là với người Việt Nam sống ở nước ngoài nhưng cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo? 
      - Theo tôi, điều này không khó khăn gì vì trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc đăng ký để xác nhận mình muốn giữ quốc tịch gốc là quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam cư trú tại các nước là vấn đề không khó khăn. Người dân có thể gửi xác nhận của mình qua đường bưu điện, đăng ký qua mạng internet với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài... Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định thời hạn mang tính chất chuyển tiếp, được thực hiện trong vòng 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân đều biết và có đủ thời gian thực hiện quy định này. 
      - Xin cám ơn ông!

Hồng Thúy thực hiện

    Nổi bật
        Mới nhất
        Muốn có quốc tịch chỉ cần đăng ký
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO