Mười điều răn và cuốn sách trần trụi

Tri Sơ
Theo The Observer
16/01/2014 08:45

Tác phẩm Một con người nên thế nào? (How Should a Person Be?) của nữ nhà văn CANADA SHEILA HETI đã lôi cuốn nước Mỹ. Được mệnh danh là “Nhân vật nữ của HBO ở thể loại sách” với một cuốn hồi ký, tiểu thuyết, tự truyện và triết học đầy lôi cuốn.

 

Cuốn sách Một con người nên thế nào? chia rẽ giới phê bình. James Wood của tờ The New Yorker ca ngợi tác phẩm của Heti “bác bỏ sự cao ngạo và thói đạo đức giả”, nhưng “tự yêu mình quá thể”. Nữ văn sĩ Canada nổi tiếng Margaret Atwood (sinh năm 1939) mô tả nó “nghiêm trang lạ thường nhưng hài hước lao vào cuộc truy tìm sự thật”, trong khi nghệ sĩ điện ảnh Miranda July tuyên bố cuốn sách “không thể đột phá hơn: về hình thức, tình dục, tình cảm, là một tác phẩm văn học lớn”.

Một con người nên thế nào? có cấu trúc như một phiên bản văn học của truyền hình thực tế. Nhân vật chính, Sheila, là một nhà viết kịch, vừa ly dị, phác thảo từ nỗi đau của nhà văn. Trong đời tư, Heti đã ly dị chồng ba năm, cố gắng viết một vở kịch nữ quyền lại ra cuốn sách Một con người nên thế nào?. Lấy bối cảnh ở Toronto, cuốn sách dựa trên các cuộc hội thoại riêng của tác giả với đám bạn bè nghệ sĩ (nhân vật Margaux là họa sĩ Margaux Williamson), những nhà phân tích và mối quan hệ của cô với gã Israel – đối tác quan hệ tình dục bạo liệt.

Tuy nhiên, theo tinh thần của tiểu thuyết giáo dục nhân cách thế kỷ XIX, cuốn sách cũng đặt ra những câu hỏi như một nghệ sĩ có nghĩa là gì? Những gì là xấu xa hoặc tốt đẹp? Và làm thế nào để sống đạo đức?

Heti có một sự nghiệp xuất sắc, một cây bút văn học hư cấu “đáng gờm”. Nhưng Một con người nên thế nào? là sự thay đổi bất ngờ về phương hướng, bộc lộ cuộc sống riêng tư. Nhiều biên tập viên từ chối bản thảo, không được phát hành tại Mỹ mãi đến hai năm sau khi xuất bản ở Canada. Nhưng cuốn sách đã đưa Heti lên thành một hiện tượng văn học. Được viết từ năm 2005 – khi Heti 28 tuổi cho đến năm 2012, cuốn sách khám phá sự phức tạp, tự ý thức và hoài nghi của giới phụ nữ trẻ về việc thế giới đang cho họ những cơ hội chưa từng có, nhưng lại thấy mình làm việc như là kẻ thực tập không lương, sống trong căn hộ chật hẹp bẩn thỉu và hẹn hò với loại  đàn ông kém cỏi.

- Trong Một con người nên thế nào? cô phỏng vấn bạn bè, chép lại email của họ. Nhưng lại gọi nó là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải bản ghi chép?

- Tôi viết cuốn sách này một phần vì câu hỏi “Liệu có thể viết một cuốn sách mà tôi không phải tác giả duy nhất?”. Có ý kiến cho rằng tôi đã lấy cảm hứng từ bài luận Nhà thờ và khu chợ (The Cathedral and the Bazaar của Eric Steven Raymond). Tôi không hề muốn làm ra một nhà thờ, tôi muốn cuốn sách là cái chợ.

- Vì vậy, nó gần gũi hơn?

- Khao khát của một nhà văn là viết ra những câu hay nhất có thể, nhưng điều đó chẳng nghĩa lý gì suốt cuốn sách này. Nó như một buổi biểu diễn hoặc độc thoại. Gần như ngôn ngữ nói. Người ta có thể nghĩ rằng tôi không biết viết văn. Nhưng thật ngớ ngẩn khi đặt loại ngôn ngữ này thấp hơn ngôn ngữ văn học.

- Cô có lo sẽ làm tổn thương những người được đưa vào sách?

- Không bao giờ tôi muốn viết sách theo cách này nữa. Nay, tôi hiểu tại sao người ta lại viết tiểu thuyết. Rất nhiều biến chứng có thể phát sinh. Hư cấu là một cách để nhà văn bảo vệ tình bạn và sự lãng mạn!

- Là một cuốn tiểu thuyết tự truyện, nhưng viết rất ít về cha mẹ mình. Cô có thể nói thêm?

- Cha tôi từ Hungary đến Canada khi còn nhỏ, mẹ tôi đến vào những năm 1970. Họ đều là người Do Thái, và di sản Do Thái đi vào cuốn sách. Hungary rất khủng khiếp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đất nước này vẫn rất chống đối Do Thái, do đó, bạn sẽ cảm thấy gần gũi với phần Do Thái hơn phần Hungary, hoặc bạn ở trong cuộc xung đột dữ dội.

- Khi lớn lên cô nói rằng cô luôn cảm thấy “thực sự sợ hãi” sự cộng gộp văn hóa, “là một đứa trẻ nhập cư”…

- Tôi không được phép như một đứa trẻ bình thường. Cảm thấy bị choáng ngợp bởi nền văn hóa dân gian hiện đại. Trước cuốn sách này, tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ viết về hiện tại. Tôi sống trong một thế giới lặng lẽ.

- Cô có tôn giáo chứ?

- Tôi đọc Cựu Ước, Tân Ước và biến email của bạn bè thành văn bản theo thể của các đoạn Kinh Thánh. Với ý tưởng rằng Sheila và bạn bè mình đang lang thang trong sa mạc, là thế hệ không đến được miền đất hứa. Đó là lý do tại sao không có câu trả lời cuối cùng. Một con người nên thế nào? là câu hỏi của dân Do Thái mà ông Moses trả lời họ bằng Mười điều răn. Nếu Sheila có thể trả lời được, cô ấy sẽ giống như Moses. Nhưng cô ấy chấp nhận mình không như thế. Tôi không theo tôn giáo nào nhưng nghĩ rằng những câu chuyện Kinh Thánh, giống như tất cả những câu chuyện tuyệt vời khác, tiếp tục cộng hưởng trong cuộc sống.

- Trong sách, tình bạn của Sheila với Margaux rất quan trọng, nhưng cô ấy thú nhận là không hề có bạn trước tuổi 25. Cô cũng thế? Cô có phải học nghệ thuật bạn bè?

- Có, và tôi nhận thấy nó là một nghệ thuật đẹp hơn hết so với nghệ thuật của các mối quan hệ tình dục, bởi vì tình bạn còn có một khoảng cách. Tình dục thì quá “lệ thuộc”, thậm chí không thể gọi là nghệ thuật, nó giống như sự lôi kéo. Với tình bạn, có nhiều chọn lựa hành xử. Bạn có thể được hướng dẫn.

- Những cảnh quan hệ tình dục rất mạnh mẽ. Mặc dù Sheila ở trong mối quan hệ phục tùng đối với Israel, có sự làm quá lên trong cách viết của cô?

- Tôi yêu Henry Miller và tìm đọc những tác giả viết hay về tình dục. Tôi yêu những cuốn sách trần trụi! Đó là một cách khá sâu sắc để nói về con người. Tôi đã cố gắng đọc Năm mươi sắc thái của Grey (Fifty Shades of Grey của nữ nhà văn Anh E. L. James) nhưng chỉ ba trang thì không đọc nổi nữa. Nó giống như đã được viết bởi nhà văn nào trước đó.

- Sheila nói về cảm giác tính dục đồng giới nhiều lần.Có giới tính thứ ba?

- Tôi nghĩ có tới 17 giới tính! Có con so với không có con đã là khác nhau. Có và không có khuynh hướng trở thành phụ huynh khác xa nhau. Một cô bạn vừa có con nói: “Tôi cảm thấy một cái gì đó xâm chiếm thân thể mình mà không thể nào diễn tả được kinh nghiệm này”.

- Cô trả lời thế nào về những chỉ trích rằng cô viết ở một vị trí ưu tiên?

- Chúng ta có rất nhiều cảm giác tội lỗi; thế giới là chốn khủng khiếp với hầu hết mọi người. Rõ ràng có sự bất bình đẳng, tôi nghĩ rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm tốt hơn để giúp cải thiện cuộc sống... Nhưng nghệ thuật không phải là công bằng xã hội. Nghệ thuật là nghệ thuật...

- Thành công có làm thay đổi cuộc sống của cô?

- Rất nhiều điều tiếp diễn theo những cách tưởng như không thể xảy ra khiến tôi sững sờ, và đẩy cuốn sách về phía trước. Tôi đã từng mộng mơ: “Nếu muốn biết cuộc sống là gì, hãy vứt tất cả và tìm bằng được những gì nguyên vẹn”. Mối bận tâm thúc đẩy tôi viết cuốn sách này đã được giải quyết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mười điều răn và cuốn sách trần trụi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO