Mục tiêu tột cùng là xây dựng và hoàn thiện nhân cách người học

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 06:44 - Chia sẻ
Trong bối cảnh giáo dục và đào tạo đứng trước thách thức do Covid-19 gây ra và yêu cầu đổi mới thích ứng với những biến đổi nhanh chóng về mọi mặt, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 được kỳ vọng sẽ đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhằm xây dựng môi trường học đường lành mạnh, chuẩn mực, giá trị - nền tảng thúc đẩy chất lượng giáo dục, mục tiêu tột cùng là xây dựng và hoàn thiện nhân cách người học

PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Càng khó khăn càng vươn lên khẳng định giá trị

Đặt ra vấn đề văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay rất ý nghĩa, bởi giáo dục đang đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng toàn ngành cũng đang thích ứng, vượt qua khó khăn để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Hai năm qua, để con em chúng ta tiếp tục được học hành trong điều kiện không bình thường của dịch Covid-19 là nỗ lực của thầy cô, trong đó nhiều thầy cô cao tuổi, không rành công nghệ nhưng cố gắng thay đổi từ phương thức truyền đạt đến nội dung để dạy học trực tuyến; của học sinh, trong điều kiện nhiều em thiếu thiết bị học trực tuyến và phải tiếp cận bài giảng theo cách khác; của ngành giáo dục và cả xã hội, quyết tâm không để đứt gãy về tri thức. Những người làm giáo dục hiểu sâu sắc rằng, nếu có sự đứt gãy, mất căn bản về kiến thức, lấy lại sẽ rất khó. Vì thế, chúng ta cố gắng không thể để mất căn bản ấy trên mặt bằng tổng thể; không thể để một thế hệ đứt gãy, hụt hơi về kiến thức. Đó cũng chính là truyền thống văn hóa can trường của dân tộc ta, càng khó khăn càng vươn lên, sáng tạo, khẳng định giá trị.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức hàng năm, mỗi năm lựa chọn một chủ đề, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề căn cốt, có tính chất chiến lược của giáo dục - đào tạo. Năm nay, nhiều tham luận hướng vào văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số, chất lượng dạy và học trực tuyến... đặt trong tổng thể chung của văn hóa học đường, vẫn thống nhất với phương châm cốt lõi, mục tiêu của hội thảo đặt ra từ đầu. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng các đại biểu sẽ đề xuất được những giải pháp, chính sách thiết thực, nhằm tạo chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, hướng đến một môi trường văn hóa học đường tích cực, một nền giáo dục trung thực, “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

	Văn hóa học đường góp phần xây dựng nhân cách học sinh - Nguồn: www.giaoduc.edu.vn
Văn hóa học đường góp phần xây dựng nhân cách học sinh
Nguồn: www.giaoduc.edu.vn

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng và hoàn thiện nhân cách người học

Văn hóa học đường luôn có mặt dưới dạng này hoặc dạng khác trong các nhà trường. Chỉ có điều nó chưa bao giờ được coi trọng. Chính những cảnh báo về khủng hoảng giá trị đã khiến các nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục tư duy lại về sự cần thiết và tầm quan trọng của văn hóa học đường. Vì thế, vài thập kỷ gần đây, giáo dục giá trị đã được đề cao và tăng cường trong các chương trình giáo dục nhiều quốc gia và đang trở thành một xu thế toàn cầu trong việc xây dựng văn hóa học đường.

Nhiều nghiên cứu đã làm rõ cấu trúc của văn hóa học đường, trong đó nền tảng của văn hóa học đường là các giá trị mà nhà trường theo đuổi và xây dựng. Nhìn từ góc độ này thì văn hóa học đường được phân loại thành hai loại là văn hóa học đường tích cực và văn hóa học đường tiêu cực. Văn hóa học đường tích cực đem đến sự hài lòng của người dạy trong giảng dạy và sự hài lòng của người học trong học tập. Nó được đặc trưng bởi các giá trị như tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, sự ham học, niềm tin, sự hợp tác, thái độ tôn trọng, quan hệ thân thiện… Trong khi đó văn hóa học đường tiêu cực đem đến cho người dạy và người học sự bất an, được đặc trưng bởi các phi giá trị như sự giả dối, bệnh thành tích, bệnh hình thức, bệnh bè phái, bệnh đối phó, thói khôn vặt, thói tùy tiện, thói vô cảm, sự lười nhác…

Xây dựng văn hóa học đường không thể dừng lại ở các hoạt động bề nổi như hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nghi thức giao tiếp, quan hệ ứng xử, mà trên hết cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị trong nhà trường. Các tổ chức quốc tế cũng tham gia tích cực vào việc đề xuất, khuyến nghị các giá trị cần đưa vào văn hóa học đường nhìn từ những góc độ khác nhau...; thực chất là tiếp cận văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà mục tiêu tột cùng là xây dựng và hoàn thiện nhân cách người học.

GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng

Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện quá trình quản lý giáo dục trong mỗi nhà trường nhằm xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững. Nói cách khác, văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ sống có hoài bão, có lý tưởng cao đẹp. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa học đường được coi là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, những biểu hiện xuống cấp của văn hóa học đường đang là mối lo ngại của xã hội. Trong khi đó, nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường, vì vậy những hành vi lệch chuẩn trong trường học có cơ hội phát sinh, nảy nở.

Tác dụng tích cực của văn hóa học đường là xây dựng nhân cách cho học sinh, chống lại lối sống tiêu cực. Chính vì thế, cần có giải pháp cụ thể để xây dựng văn hóa học đường phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo hiện nay. Để xây dựng được văn hóa trong trường học cần có sự kết hợp liên bộ, liên ngành và toàn xã hội, trong đó đóng vai trò quan trọng là ngành giáo dục và văn hóa, cùng thực hiện mục tiêu chung là xây dựng con người Việt Nam.

Ngọc Phương