Mục tiêu tăng trưởng Quý I gặp nhiều thách thức

Vũ Quang 06/03/2025 18:51

Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực song mục tiêu tăng trưởng 7,7% trong quý I vẫn gặp nhiều thách thức.

screenshot-2025-03-06-100631.png
Gần 50.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 2 tháng đầu năm

Sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 5 năm

Cục Thống kê vừa thông tin về một số nét chính của tình hình kinh tế, xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, cho thấy nhiều lĩnh vực đã đạt các kết quả khả quan.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực và đạt mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng, tăng 7,2%, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,3%.

Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 13,8% và luân chuyển tăng 16,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,5% và luân chuyển tăng 11,8%.

Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 8,4%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,47 tỷ USD.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện 2 tháng ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế cũng tiếp tục được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 đạt gần 1,9 triệu lượt người, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,96 triệu lượt người, tăng 30,2%.

Đáng chú ý là sự khởi sắc của khu vực doanh nghiệp với số lượng công ty thành lập mới và vốn đăng ký tăng mạnh trong tháng 2. Cả nước có 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 136,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nền kinh tế đón nhận gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 2, giảm 69,1% so với tháng 1 nhưng tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Những tín hiệu khởi sắc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, thương mại đã tạo động lực nâng cao nguồn thu. Tính chung 2 tháng thu ngân sách ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế - xã hội 2 tháng vẫn còn nhiều điểm chưa tích cực. Có thể kể tới số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng. Trong 2 tháng có gần 56,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có hơn 33,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn xuất hiện trong một bộ phận doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong 2 tháng, tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là gần 140,7 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn ở mức thấp

Theo Cục Thống kê, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, quý I phải tăng 7,7%; quý II tăng 8,1%; quý III tăng 8%; quý IV tăng 8,2%.

Tuy tình hình 2 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực song, Cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 7,7% trong quý I vẫn gặp một số thách thức.

Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng của ngành khai khoáng quý I.2025 (theo kịch bản 8%) giảm 1,2%. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 2 tháng đầu năm 2025 giảm nhiều dẫn đến khả năng đạt mục tiêu đặt ra của Quý I năm nay là khó khăn.

Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo 2 tháng tăng 9,3%, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (9,4%), trong khi đó mục tiêu đặt ra trong quý I năm nay là giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo tăng 9,8%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I, tốc độ tăng IIP của ngành chế biến chế tạo phải tăng ít nhất trên 10% - đây là một thách thức lớn đối với sản xuất công nghiệp trong quý I.

Tương tự, chỉ số sản xuất ngành điện 2 tháng chỉ tăng 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm trước. Mục tiêu tăng trưởng của ngành điện trong quý I là 10,9%. Vì vậy trong quý I chỉ số IIP của ngành điện phải tăng trên 2 chữ số để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

Về vốn đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 (hai tháng đầu năm 2023 giảm 4,9%) trong 5 năm qua. Vốn FDI thực hiện tăng thấp (chiếm khoảng 16-20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) sẽ là thách thức không nhỏ để đóng góp thực hiện mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay.

Về một số hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%) nhưng chưa đạt mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (cùng kỳ năm 2018 và 2019 tăng lần lượt tăng 9,8% và 12,6%). Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 8,7% (cùng kỳ năm 2018 và 2019 lần lượt tăng 10,3% và 13,8%).

Tốc độ tăng của bán lẻ hàng hóa chưa đạt mức tăng trước dịch, cùng với đó tăng trưởng của dịch vụ du lịch lữ hành có xu hướng giảm (cùng kỳ các năm 2023 – 2025 lần lượt tăng 169,9%; 25,9% và 16,4%).

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa của 2 tháng lần lượt đạt 8,4% và 15,9%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 trong 5 năm qua (tương ứng giảm 9,9% và giảm 16,7%).

Thặng dư thương mại đạt 1,47 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2023 (3,48 tỷ USD) và năm 2014 (5,13 tỷ USD).

Như vậy xét về góc độ sử dụng thì cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, là một thách thức lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay, Cục Thống kê nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mục tiêu tăng trưởng Quý I gặp nhiều thách thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO