Mục tiêu tăng trưởng 3 - 4% là khó đạt

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:06 - Chia sẻ
“Nếu chúng ta cứ tập trung mục tiêu tăng trưởng cả năm nay đạt 3 - 4% là hơi nặng nề và khó đạt. Trong giai đoạn này, quan trọng nhất là phải bảo toàn lực lượng để năm sau mới có thể khôi phục”. Đây là ý kiến của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng qua.

Tăng trưởng tích cực sẽ khoảng 2,6%

Nhìn lại bối cảnh kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng “rất bất định và khó lường”, thể hiện ở diễn biến dịch Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới với những đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng. Theo đó, tháng 6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu cả năm có thể sụt giảm 4,9%; thương mại toàn cầu giảm 11,9%. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; cách mạnh công nghiệp 4.0 và kinh tế số chuyển biến nhanh…

Toàn cảnh hội thảo.
Đan Thanh

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I và 0,36% trong quý II. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81% - thấp nhất trong 12 năm qua. Suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 3 khu vực là nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,19%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,98% và dịch vụ tăng 0,57%.

Chuyên gia của CIEM cũng chỉ rõ, xuất khẩu và cán cân thương mại trong 6 tháng qua dù vẫn tích cực song khả năng duy trì trở nên khó khăn hơn kể từ tháng 4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm, 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,4%. Mặc dù đầu tư công giải ngân nhanh hơn nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tích cực với lượng vốn đăng ký đạt 15,7 tỷ USD song Việt Nam vẫn cần khẳng định mạnh mẽ yêu cầu thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài hiệu quả, thực chất hơn thông qua cải thiện niềm tin chiến lược, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác và chia sẻ lợi ích với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thừa nhận số liệu hiện nay “có thể chưa phản ánh hết mức độ nghiêm trọng của tình hình” vì khó khăn mới bộc lộ rõ trong quý II và không ai bảo đảm quý III đã hết khó khăn hay chưa, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết đã xây dựng 2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% (kịch bản 1) và 2,6% (kịch bản 2) - mức tích cực nhất trong bối cảnh hiện nay. Xuất khẩu cả năm dự báo lần lượt giảm 3,1% và giảm 1,9%; thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD; lạm phát bình quân năm 2020 ở mức 4,3% và 4,5%. “Dù mức lạm phát cao hơn mục tiêu nhưng lại khả thi và nếu Chính phủ thực sự quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thì mức này là chấp nhận được”, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương bình luận.

Quan trọng là phải giữ ổn định vĩ mô

Trong bối cảnh rủi ro về “làn sóng thứ hai” dịch Covid-19 đang hiện hữu, các chuyên gia nhấn mạnh về tinh thần kiến tạo của Chính phủ để khôi phục kinh tế. Cụ thể, đại diện CIEM cho rằng, cần thực hiện 4 “bớt”.

Đầu tiên, phải bớt sợ trách nhiệm vì nếu không sẽ khó giải ngân hết đầu tư công. Thứ hai, việc hỗ trợ về tài khóa - tiền tệ là cần thiết nhưng phải bớt sốt ruột để đánh giá đúng tình hình, không vội vã thực hiện ở quy mô lớn. Thứ ba, phải bớt dè dặt với các vấn đề mới như kinh tế số, tiền ảo, tiền điện tử… tức phải dám thử nghiệm, dám “chơi” với những lĩnh vực mới này nếu không muốn chậm chân trong cuộc đua với các nước. Cuối cùng, phải bớt sợ thiếu việc trong các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi trong bối cảnh mới sẽ có những việc làm mới, cách làm mới nên sẽ nhiều việc hơn; nếu cứ cứng nhắc, làm đúng chức năng nhiệm vụ sẽ lầm tưởng rằng đang có ít việc và khó thích ứng với tình hình.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, hiện niềm tin của các nhà đầu tư đang có sự hoảng loạn, không biết chuyển vốn đi đâu cho an toàn nên “đừng quá kỳ vọng FDI sẽ đổ xô vào Việt Nam”. Chuỗi đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp “bị thương”, vì vậy cũng không nên quá lạc quan doanh nghiệp sẽ “bật dậy như lò xo”. “Cần xác định tác động của dịch Covid-19 trong lâu dài chứ không phải cứ tìm ra vaccine là kinh tế phục hồi nhanh. Nếu chúng ta cứ tập trung mục tiêu tăng trưởng cả năm nay đạt 3 - 4% là hơi nặng nề và khó đạt được. Trong giai đoạn này, quan trọng nhất là phải bảo toàn lực lượng để năm sau mới có thể khôi phục. Việc giữ cho tăng trưởng dương so với nhiều nước đều âm đã là tốt rồi”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nhiệm vụ quan trọng hơn bây giờ là phải giữ ổn định vĩ mô (thay vì tập trung cho tăng trưởng). Bởi lẽ, 6 tháng qua, lạm phát đã đạt 4,19% dù giá dầu thế giới giảm lớn. Do đó, nếu kiểm soát không tốt, lạm phát sẽ tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng về tài chính do nợ của thế giới tăng nhanh đang hiện hữu. Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta cứ đi vào tăng trưởng là “rất nguy hiểm”, ông Tuấn cảnh báo. Mặt khác, hiện có tâm lý kỳ thị FDI khi chúng ta không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân là do năng lực của chúng ta còn yếu, vì thế cần điều chỉnh lại chiến lược để tận dụng cơ hội từ FDI. Việc hỗ trợ cũng cần tính toán lại vì hiện vẫn chưa đủ và chưa trúng, mới chỉ giãn thuế trong khi thực chất cần giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp, phải cứu cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ bởi khi các doanh nghiệp này “chết” sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay, tư duy cải cách cũng cần thích ứng. Theo đó, không phải chờ đến khi kinh tế tốt lên mới tiếp tục cải cách mà càng phải làm trong lúc này, bởi đây chính là động lực cho tăng trưởng. Nếu cải cách vi mô tốt hơn sẽ giảm áp lực trong điều hành vĩ mô. Việc cải cách không phải chỉ là cắt giảm thủ tục mà cần nhiều thứ, trong đó có việc “chơi” với các tiêu chuẩn, quy chuẩn cao hơn; lấy tiêu chuẩn cao để thu hút FDI thay vì dùng các ưu đãi… Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng cần hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn, bởi trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới như EVFTA, chỉ cần một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng.

 

 

Đan Thanh