Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam)

Mục tiêu quan trọng nhất của phát triển là người dân

- Thứ Ba, 27/07/2021, 11:45 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của phát triển nói chung và của các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng luôn hướng đến người dân, vì người dân, tạo sinh kế cho người nghèo và phải tạo việc làm bền vững, thu nhập đủ sống, trên cơ sở đó cùng với các giải pháp khác về hạ tầng, về đất đai, về tín dụng, về các dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết phải ghi rõ mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để sau này đánh giá hiệu quả chương trình thực chất hơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) tán thành cao với quá trình chuẩn bị tích cực của Chính phủ và các Bộ, ngành, nhất là tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. 

Tính từ năm 1993 cho đến nay thì đây là chu kỳ thứ 6 của Chương trình mục tiêu Quốc gia này và tương ứng với đó là việc đã 6 lần điều chỉnh chuẩn nghèo quốc gia. Chúng ta đã rất thành công với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 đến nay chỉ còn 2,75%, được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một điển hình trong thực hiện các mục tiêu thiên kỷ khi về đích trước thời hạn đối với mục tiêu giảm nghèo từ rất sớm.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Đặc biệt hơn, giai đoạn 2016 - 2020 đã đánh dấu một bước chuyển mới trong tiếp cận giảm nghèo đó là tiếp cận theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều (chỉ khoảng 30 quốc gia trên thế giới triển khai theo cách này). Không thể phủ nhận vai trò, thành tựu của nghèo trong việc góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác đã tạo ra sự đổi thay đáng kể bộ mặt của nông thôn, miền núi và quan  trọng hơn là giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, cải thiện đời sống của mình, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Tuy nhiên, chuẩn bị cho giai đoạn tới của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền đề nghị Chính phủ quan tâm 5 vấn đề để hoàn thiện sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư như sau:

Thứ nhất, về cơ chế thực hiện, cơ chế điều hành, trước năm 2016, chúng ta ban hành và thực hiện khá nhiều chương trình, dự án mang tính quốc gia nhưng mỗi chương trình lại điều hành một kiểu, theo các cơ chế khác nhau, định mức tài chính khác nhau dù có cùng nội dung tương đồng, dẫn đến việc rất khó có thể lồng ghép, phối hợp thực hiện trên cùng một địa bàn, làm cho chính quyền địa phương thì lúng túng, người dân là đối tượng thụ hưởng thì thiệt thòi, giảm hiệu quả của các chương trình. Vì vậy, tôi tán thành và đánh giá cao ý kiến của hai Ủy ban, đó là Ủy ban Kinh tế (chủ trì thẩm tra đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cũng như Ủy ban Xã hội (chủ trì thẩm tra đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) về việc cần thống nhất chung một Ban chỉ đạo để điều phối, điều hành việc tổ chức thực hiện cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới.

Thứ hai, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, tôi tha thiết mong Chính phủ và các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để thực chương trình, hướng dẫn rõ ràng các cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp, lồng ghép (bao gồm cả về nguồn lực), định mức tài chính v.v… theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã nêu, Chính phủ, các Bộ, ngành chỉ đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phân bổ nguồn lực, định mức khung, cơ chế khung, thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn…; còn lại phân cấp, phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho địa phương, chính quyền các cấp để xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể, giải pháp thực hiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tính chất nghèo, nguyên nhân nghèo cũng như lối sống, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng địa phương, từng vùng miền, từng hộ nghèo... thì mới sát với thực tiễn và mới có hiệu quả. Vấn đề này không phải là mới mà Nghị quyết số 76 của Quốc hội từ năm 2014 đã yêu cầu nhưng Chính phủ triển khai chưa thật mạnh mẽ.

Thứ ba, mục tiêu quan trọng nhất của phát triển nói chung và của các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng luôn hướng đến người dân, vì người dân, tạo sinh kế cho người nghèo và phải tạo việc làm bền vững, thu nhập đủ sống, trên cơ sở đó cùng với các giải pháp khác về hạ tầng, về đất đai, về tín dụng, về các dịch vụ xã hội cơ bản khác thì mới có thể giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo hướng đến cải thiện và nâng cao mức sống. Do đó, tôi cho rằng cần thiết phải ghi rõ mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để sau này đánh giá hiệu quả chương trình thực chất hơn.

Thứ tư, kể từ năm 2022 sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập và các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội (y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh...) do đó chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới và đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, nhân lực, sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, nhất là các nơi mà hiện nay đang là lõi nghèo (các huyện đặc biệt khó khăn, xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bãi ngang ven biển... nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao). Chính vì vậy, việc bố trí nguồn lực cần tính toán cho khả thi và đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì cố găng bố trí đủ nguồn lực.

Thứ năm, đã gần hết năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã kết thúc, do đó Chính phủ cần tính toán để có bố trí vốn sao cho việc thực hiện công tác giảm nghèo của năm 2021 phù hợp, tránh tình trạng khó khăn về kinh phí dẫn đến khó khăn cho công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước.

Quang Khánh