Mục tiêu hàng đầu là hiệu quả kinh tế

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:43 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến tháng 6.2020, cả nước có 25.282 hợp tác xã, tăng 2.002 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 16.012 hợp tác xã nông nghiệp, 8.087 hợp tác xã phi nông nghiệp, 91 liên hiệp hợp tác xã và 120.811 tổ hợp tác... với sự tham gia của hàng chục triệu thành viên, tổng vốn điều lệ đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng.

Số vốn trung bình của mỗi hợp tác xã là hơn 1,43 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm 2019; doanh thu bình quân đạt 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt 58%. Các tổ hợp tác có vốn góp ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt 232 triệu đồng/ tổ hợp tác; thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá, khu vực kinh tế hợp tác xã những năm gần đây phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên...  Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.

Đó là tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số hợp tác xã tuy tăng nhưng lượng thành viên có xu hướng giảm; mối liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân quan trọng khác như hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn. Thiếu công khai, minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã 2012, chưa chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức... nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao. Sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, dẫn đến chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi khi tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng. Một số hợp tác xã sử dụng vốn vay không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hợp tác xã được coi là nòng cốt của kinh tế tập thể, đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và người lao động. Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm 60 - 70% tổng số hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc...

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, nhất là tránh việc thành lập mang tính hình thức, thành lập cho có chứ không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, ngoài việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế; hỗ trợ bồi dưỡng đào tạo, xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo hiểm nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là các hợp tác xã phải tự thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tế và tận dụng được các cơ hội phát triển chứ không chỉ chạy theo số lượng.

Ninh Hà