Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, quan trọng bậc nhất là phải bảo đảm tính hợp hiến, thượng tôn pháp luật và được lòng dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền và nền công vụ liêm chính, vì dân là cơ sở để người dân được hưởng “độc lập - tự do - hạnh phúc” như tiêu ngữ văn bản hành chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn.
Biến khát vọng dân chủ của nhân dân thành hiện thực
Ngược dòng lịch sử, sau ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nước ta lúc đó tiềm ẩn những bất ổn, đe dọa vận mệnh của dân tộc. “Giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành, nguy hiểm hơn là sự hiện diện của hơn 30 vạn quân xâm lược Anh, Mỹ, Pháp, Tưởng câu kết với bọn phản cách mạng trong nước, âm mưu xóa bỏ nền dân chủ và sự sống còn của nhà nước cách mạng Việt Nam mới được thành lập.
Trước tình hình đó, bằng bản lĩnh chính trị, tin ở lòng dân, hiểu khát vọng dân chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với hình thức phổ thông đầu phiếu.Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong, giặc ngoài; ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất đã thành công, chứng minh với thế giới rằng: nước Việt Nam là nước tự do, độc lập, dân chủ, cộng hòa với giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được.
Cũng trong quá trình tiến tới Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 63-SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và UBHC ở các xã, huyện, tỉnh, kỳ, thành phố và thị xã. Đây là 2 văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta về xây dựng chính quyền địa phương. Từ đó, chính quyền các địa phương được bầu cử, xác lập, cùng với Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thực thi sứ mệnh của nhà nước dân chủ cộng hòa, mở lối tiên phong trên con đường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam, biến khát vọng làm chủ của nhân dân trở thành hiện thực.
Đặt nền móng xây dựng nền công vụ liêm chính, vì dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, trí tuệ nghiên cứu, “xây dựng chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân”, phát triển một nền hành chính công vụ liêm chính, vì dân, “chú trọng thực tế và nỗ lực làm việc” ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Mở đầu phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3.9.1945, Người nói: “Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm.”, “Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.
Để thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước trên cơ sở thượng tôn luật pháp, kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ, quản lý xã hội theo phương châm “kháng chiến, kiến quốc”; trong giai đoạn từ 30.8.1945 đến 31.12.1946, Chính phủ lâm thời đã điều hành đất nước bằng Sắc lệnh. Tổng cộng có 303 Sắc lệnh được ban hành trong vòng 16 tháng cho thấy năng lực thể chế đáng khâm phục của Chính phủ.
Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều bài nói, bài viết đăng trên báo Cứu quốc - còn nguyên giá trị cho đến ngày nay - nói về thể chế cơ quan dân cử, tổ chức bộ máy nhà nước, nền công vụ và cơ chế vận hành; hướng dẫn kỹ thuật hành chính; giáo dục, rèn luyện đạo đức; sửa đổi cách làm việc, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng chính quyền công bộc, được lòng dân... như: “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (3.9.1945); “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” (11.9.1945); “Chính phủ là công bộc của dân” (19.9.1945); “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” (26.9.1945); “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân” (4.10.1945); “Tinh thần tự động trong Ủy ban nhân dân” (5.10.1945); “Sao cho được lòng dân” (12.10.1945); “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (17.10.1945) và một số bài báo khác.
Xuyên suốt trong các tác phẩm nói trên, Người chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và chính quyền địa phương phải thực hiện theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới. Căn dặn cán bộ phải có tinh thần tự phê bình, không tự kiêu, không được “vác mặt làm "quan cách mạng" hay cậy thế, tư túng, tham ô, hủ hóa, kéo bè kéo cánh gây chia rẽ. “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đồng thời phải có đức tính siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm và siêng học tập, nghiên cứu. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy với một tinh thần chí công vô tư, hướng tất cả hoạt động của cơ quan hành chính tới mục tiêu hạnh phúc của nhân dân.
Coi trọng xây dựng chính quyền địa phương được lòng dân
Kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn trong quá trìnhxây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam và nền hành chính công vụ liêm chính, vì dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, trước thách thức của “giặc nội xâm”, chúng ta tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kiên quyết làm trong sạch bộ máy và nền công vụ liêm chính, vì dân. Minh chứng cho lời tuyên chiến với “giặc nội xâm”, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, trên diện rộng, vi phạm có tính hệ thống, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, cần quán triệt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng chính quyền địa phương được lòng dân và nền công vụ liêm chính, với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân.
Một mặt, thể chế hóa rõ hơn trách nhiệm của cơ quan HĐND trong Nhà nước pháp quyền. HĐND đại diện cho dân, được nhân dân ủy thác giám sát quyền lực nhà nước đối với việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang và mọi hoạt động ở địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của nhân dân. Vẫn còn tình trạng có tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền Hiến định, lợi ích hợp pháp của người dân; vẫn có trường hợp cơ quan công quyền biểu hiện quan liêu, lạm quyền trong thi hành công vụ, nhưng HĐND không hoặc chậm lên tiếng bảo vệ dân.
Mặt khác, cần đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ mô hình quản lý công truyền thống chỉ coi trọng quy trình, thủ tục pháp lý, cơ cấu thứ bậc... sang quản lý công mới (hành chính phát triển) và chính phủ điện tử, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế, gắn với phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa hệ thống quy định, quy tắc, coi trọng mục tiêu là kết quả cuối cùng.
Xây dựng cơ chế buộc các cơ quan Nhà nước phải tuân thủ, thượng tôn pháp luật, tập trung giải quyết đúng thời hạn quy định của pháp luật đối với các đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân. Khắc phục tình trạng để đơn thư tố cáo, khiếu nại “rơi vào im lặng”, vi phạm thời hạn giải quyết, qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như hoạt động của các cơ quan Nhà nước.