Mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri và Nhân dân

- Thứ Tư, 12/01/2022, 09:06 - Chia sẻ
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội tổ chức ngay những ngày đầu tiên của năm mới được kỳ vọng sẽ mở ra rất nhiều động lực cho đất nước năm 2022 và trong cả giai đoạn. Theo dõi diễn biến của kỳ họp những ngày qua, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá, Quốc hội đã không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” mà còn khẳng định mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri và Nhân dân.

Thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”

Dõi theo kỳ họp những ngày vừa qua, nhiều cử tri đánh giá, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường hết sức hợp lý, cần thiết, nhằm giải quyết kịp thời với những vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Luật sư Nguyễn Văn Bảo (Đoàn Luật sư Quảng Ninh) nhận định: Kỳ họp đã thể hiện rõ nét bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước và hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri, Nhân dân. Cùng chung nhận định này, Nhà báo Lê Nam (báo Công lý và Xã hội) cho biết: Theo dõi hoạt động của Quốc hội Khóa XV có thể thấy, Quốc hội đã chủ động tháo gỡ những khó khăn do đại dịch Covid-19 để không lỡ nhịp phát triển. 

Chủ trương tập trung ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được nhiều cử tri đồng thuận, đánh giá cao
Ảnh: minh họa

“Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách từ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước” - nhiều cử tri TP. Hải Phòng đã nhấn mạnh như vậy khi nói về các nội dung cấp bách được đưa ra tại kỳ họp chưa từng có trong lịch sử suốt 76 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. “Tổ chức Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, cần thiết, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Điều này tiếp tục thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”; luôn đồng hành với Chính phủ để hướng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cử tri”, cử tri Trần Đăng Huy (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) đánh giá.

Kịp thời đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn

Bàn về các nội dung được quyết nghị tại kỳ họp này, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, nhiều cử tri TP. Đà Nẵng đánh giá, 4 vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định đã thể hiện rất rõ quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường chỉ xem xét những vấn đề cấp thiết đòi hỏi của thực tiễn”. Theo cử tri Nguyễn Thành Đạt (Giám đốc Công ty Go Global Travel), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã gần như “kiệt sức” sau hai năm "vật lộn" với đại dịch. Kỳ họp này, anh đặc biệt quan tâm đến các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội sớm phục hồi cho nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, Luật sư Trần Đình Thắng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Bên cạnh mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch, Kỳ họp cũng kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc về pháp lý ở nhiều lĩnh vực. Đó là xem xét, ban hành 1 luật sửa đổi nhiều luật (Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). “Sửa đổi, bổ sung một số điều 9 luật lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các Văn kiện của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội”, Luật sư Trần Đình Thắng nói.

Với dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông, nhiều cử tri đánh giá: Việc Quốc hội quyết định chủ trương trong Kỳ họp bất thường lần này cho thấy ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, chính trị của tuyến giao thông quan trọng này. Cùng với đó, chủ trương tập trung ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công cũng là phương án bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu cơ bản hoàn thành tuyến vào năm 2025.

Tại Cần Thơ, nhiều cử tri cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính; phân cấp quản lý cho thành phố về quản lý đất đai, tăng quyền chủ động quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng các khu chức năng và cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương, phân bổ thu nhập cán bộ, công chức, viên chức… được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ chắp thêm động lực để thành phố hiện thực vị trí, vai trò đô thị trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long của thành phố. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh, mục tiêu thật sự trở thành trung tâm vùng của TP. Cần Thơ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ có đạt được hay không phụ thuộc vào việc sử dụng điểm tựa của các luận cứ khoa học và thực tiễn, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tham gia. Nhất là giải bài toán kinh tế - xã hội - môi trường, bố trí nguồn lực “đầu vào” đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả “đầu ra” trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội “chất lượng cuộc sống của người dân”. Và các cơ chế, chính sách đặc thù đang được kỳ vọng tạo ra nguồn lực đầu tư mới, động lực mới cho Tây Ðô thời gian tới.

MẠNH TUÂN