Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2023, trong đó thông tin chi tiết về mức học phí dự kiến cũng như các chính sách miễn giảm học phí, học bổng.
Về mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 đối với chương trình đại trà là 22 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí chương trình Chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm. Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm.
Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế như sau:
Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, Chương trình Kế toán Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Chương trình CLC Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm.
Học phí của chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm.
Dự kiến, học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.
Chính sách học phí trên của Trường Đại học Ngoại thương thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81 ngày 27.08.2021 của Chính phủ.
Về chính sách miễn giảm học phí và học bổng, với mục tiêu thu hút nhân tài và đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương trích khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn thu học phí của sinh viên chính quy, các nguồn thu khác của trường để cấp học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ tài chính và các hoạt động của sinh viên.
Cụ thể, Quỹ học bổng khuyến khích học tập bao gồm: Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập; Học bổng dành cho sinh viên các chương trình chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế; Học bổng khuyến khích dành cho sinh viên thủ khoa đầu vào; Học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả học tập tốt; Học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước,...
Các hoạt động hỗ trợ sinh viên bao gồm: Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ ưu tiên bố trí ký túc xá và miễn giảm lệ phí ký túc xá cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong các trường hợp khó khăn đột xuất;
Hỗ trợ thường niên cho các câu lạc bộ sinh viên; Hỗ trợ chi phí hành chính cho Đoàn thanh niên; Phụ cấp cho cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, chủ tịch câu lạc bộ sinh viên...; Hỗ trợ các hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên; Hỗ trợ tiền tết Nguyên Đán cho sinh viên; Hỗ trợ công tác Hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng, tư vấn việc làm cho sinh viên; Hỗ trợ chuyên môn cho các câu lạc bộ và các hỗ trợ khác.
Nhà trường cũng có quỹ cho vay học bổng FTU-MABUCHI với định mức cho vay khoảng 15 triệu đồng/năm, lãi suất 0%. Thời gian cho vay kéo dài tối đa 8 năm, dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.
Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 4.100 chỉ tiêu. Trong đó, tại trụ sở chính Hà Nội: 3.000 chỉ tiêu, tại cơ sở Quảng Ninh: 150 chỉ tiêu, tại cơ sở II TPHCM: 950 chỉ tiêu.
Nhà trường vẫn giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển, tương tự như năm 2022.
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển của trường, đạt giải (nhất, nhì, ba) Học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT/các trường THPT quốc tế.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TPHCM tổ chức trong năm 2023.
Phương thức 6: Xét tuyển thẳng.
Được biết, Trường Đại học Ngoại thương sẽ công bố kết quả đánh giá hồ sơ từng phương thức trên hệ thống xét tuyển của trường.
Đối với phương thức xét tuyển 1, 2 và 5: dự kiến trước ngày 15.6.
Đối với phương thức xét tuyển 3 và 4: dự kiến trước ngày 21.8.
Đối với phương thức xét tuyển 6: dự kiến trước ngày 6.7.