Múa rối cạn kiệt tích trò và nhân lực

Lê Thủy 31/03/2014 09:05

Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, múa rối, đặc biệt là rối nước nhiều năm qua đã lập kỷ lục về số buổi diễn, doanh thu, lượng khán giả. Tuy nhiên, theo nhiều người trong nghề, múa rối hiện nay đa phần là trò cũ, giống nhau từ nội dung, tạo hình con rối đến xử lý âm nhạc, dẫn đến sự nhàm chán đối với người xem và không khơi dậy được sức sáng tạo của nghệ sỹ biểu diễn.

Nguồn: thanglongwaterpuppet.org
Nguồn: thanglongwaterpuppet.org
Tại hội thảo Xây dựng tiết mục múa rối có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao trong giai đoạn mới, vừa diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn nhận định: bao năm qua, từ kho tàng di sản quý báu rối nước cổ truyền của tổ tiên để lại, các đoàn rối đã chắt lọc, dàn dựng mười mấy trò cổ để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, nhưng hầu hết đều giống nhau về nội dung và hình thức biểu diễn. Điều đáng nói là nghệ thuật múa rối xưa có hàng trăm tích trò, nhưng hiện nay không thể giới thiệu tới khán giả. Năm 2006 - 2007, Nhà hát Múa rối Thăng Long thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về nghệ thuật múa rối truyền thống Thăng Long - Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghệ sỹ, nghệ nhân. Số lượng tích trò thống kê được có tranh, ảnh, băng hình minh họa lên tới hàng trăm trò, nhưng rất khó khăn trong việc phục hồi vì không lưu giữ được bộ máy con rối các tích trò đó. Trong múa rối nước, khâu chế tạo con rối, nhất là bộ máy điều khiển vô cùng quan trọng, gần như quyết định sự thành bại của tiết mục. Ở những tích trò cổ của ông cha xưa, các phường rối cổ truyền đều bí mật cách làm bộ máy, chỉ một vài nghệ nhân cao niên nắm bí quyết cách làm, nên khi các cụ khuất núi, trò đó cũng thất truyền.

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam NSND Lê Tiến Thọ: sân khấu múa rối hiện thiếu tiết mục có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, thiếu hơi thở mới, sức bật mới. Sự tinh tế trong việc biểu diễn các tiết mục chưa cao, kỹ thuật múa rối cạn chưa được đầu tư, vì vậy chưa lột tả được cái thần của nhân vật. Nhiều tiết mục mới dàn dựng chưa gắn kết với câu chuyện lịch sử dân gian Việt Nam mà dựa vào câu chuyện của quốc tế... 

Nguyên nhân dẫn tới những thực trạng trên là do nghệ thuật múa rối đang thiếu đội ngũ biên kịch, đạo diễn, họa sỹ tạo hình con rối... Tồn tại và gắn bó với hoạt động của nghệ thuật múa rối hiện nay đa phần là những người mới biết nghề, tính chuyên nghiệp chưa cao. Không có tác giả chuyên nghiệp sáng tác kịch bản, lực lượng họa sỹ tạo hình con rối cũng chỉ vài người. Trong khi đó, muốn tạo nên hồn cốt cho con rối thì cần những họa sỹ tài năng, am hiểu thực sự bộ môn nghệ thuật này. Về lực lượng nghệ sỹ biểu diễn, lớp diễn viên múa rối có kinh nghiệm tuổi đời đã cao, trong khi đào tạo diễn viên múa rối thiếu giáo trình, thiếu thầy giỏi, thiếu điều kiện cơ sở vật chất (sân khấu, đạo cụ…). Họa sỹ Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, múa rối “đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân lực. Nếu không kịp bổ sung, múa rối sẽ có giai đoạn rơi vào trì trệ, yếu kém”.

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thủy khẳng định, để giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa rối, cần quan tâm đến đào tạo đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp. Muốn có người kế tiếp hoạt động múa rối trước mắt, một số nhà hát, đoàn múa rối đã liên kết đào tạo với Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, hoặc thực hiện truyền nghề tại chỗ. Nhưng về lâu dài, phương thức này chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo chuẩn hóa những diễn viên có nghề, có tâm và có tầm văn hóa - xã hội. Theo Ths Ngô Thanh Thủy: múa rối đào tạo chung cùng các môn sân khấu dân tộc, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị múa rối. Diễn viên chèo, tuồng nếu chuyển sang nghề múa rối cần nhiều năm khổ luyện đôi tay để điều khiển con rối sao cho dẻo dai, linh hoạt và tinh tế. Cũng không thể đào tạo tác giả kịch nói, đạo diễn kịch chuyển sang sáng tác, dàn dựng múa rối… Do đó, cần một chuyên ngành đào tạo riêng cho sân khấu nghệ thuật múa rối. “Chừng nào chưa kiện toàn hệ thống đào tạo múa rối chuyên nghiệp, múa rối luôn bị động, tự phát, tồn tại mong manh, thiếu chuẩn mực khoa học và nghệ thuật...” - bà Ngô Thanh Thủy nói.

Thực tế sáng tạo, đổi mới gần 30 năm qua cho thấy múa rối nước Việt Nam đã tiếp cận đủ loại đề tài: lịch sử, dã sử, huyền thoại, đời thường, sản xuất, chiến đấu, nước ngoài... với bao nhiêu cách làm (vở dài, kết hợp rối cạn với rối nước, kết hợp rối với nghệ thuật sắp đặt...) và bài học rút ra là tác phẩm nào mang được hồn cốt, bản sắc văn hóa và đặc trưng thẩm mỹ của múa rối nước truyền thống Việt Nam đều thành công. Do vậy, muốn đổi mới, phát triển múa rối Việt Nam, theo nhà nghiên cứu sân khấu Trần Trí Trắc, các nghệ sỹ phải bắt đầu bằng việc kế thừa giá trị văn hóa, thẩm mỹ của múa rối truyền thống, mang đậm tính nhân văn, tiên tiến, cộng cảm nhân loại và không hề mâu thuẫn với những giá trị văn hóa hiện đại...
    Nổi bật
        Mới nhất
        Múa rối cạn kiệt tích trò và nhân lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO