Múa rối - bản sắc tạo nên sự lôi cuốn

Anh Thơ thực hiện 14/02/2015 08:51

Nghệ thuật Múa rối thu hút người xem đặc biệt là khách du lịch nước ngoài và các nhà nghiên cứu văn hóa. Theo NSƯT NGUYỄN TIẾN DŨNG, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, bản sắc văn hóa và đặc trưng thẩm mỹ của loại hình này... đã tạo nên sự lôi cuốn đến kỳ lạ.

- Mới đây, tại Liên hoan Múa rối Quốc tế Bangkok, Nhà hát Múa rối Việt Nam tham gia liên hoan đã giành giải nhất duy nhất với tác phẩm Nhịp điệu quê hương. Theo Ông, điều gì làm nên thành công của vở rối này?

- Tác phẩm rối cạn Nhịp điệu quê hương vừa giành giải chính thức duy nhất trong tổng số 120 chương trình dự thi đến từ hơn 80 quốc gia tại Carnival Múa rối Thế giới. Đây là giải thưởng quốc tế lớn nhất mà nghệ thuật múa rối Việt Nam nói chung, rối cạn Việt Nam nói riêng giành được. Vở rối này thành công là vì sự linh hoạt và khả năng kết hợp với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát chèo, dân ca quan họ, hát văn hầu đồng... Sự kết hợp đó làm toát lên được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Sự kết hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như dân ca các miền, âm nhạc dân tộc, trang phục dân tộc, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, văn học dân gian... đã làm cho nghệ thuật rối trở thành sân khấu thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, thưa Ông?

- Nói đến nghệ thuật múa rối trước hết phải nói đến nghệ thuật tạo hình và điêu khắc. Bởi không có điêu khắc, tạo hình con rối thì không có biểu diễn múa rối. Rối không theo một khuôn mẫu nào, mà phải trên cơ sở kịch bản để sáng tạo. Tạo hình con rối, đặc biệt là rối nước nước đã góp phần khẳng định thêm về bản sắc dân tộc của nghệ thuật múa rối vì nước ta là quốc gia duy nhất có múa rối nước.

Các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Lễ hội Múa rối Thế giới
Các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Lễ hội Múa rối Thế giới
Bên cạnh đó, múa rối còn có sự kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như âm nhạc, trang phục dân tộc, văn học... Phần lớn các tích trò thường sử dụng các làn điệu chèo, ca trù, tuồng, nhạc cung đình làm giàu thêm vốn nghệ thuật truyền thống. Rối cạn hay rối nước đều cần đến những cách xử lý riêng, tuy nhiên rối cạn của chúng ta có lợi thế rất lớn, đó là các nghệ sĩ có thể đưa thêm các tích, trò từ rối nước sang, điều này sẽ tạo ra được nét riêng mà không quốc gia nào có được.

- Xưa nay quốc tế biết đến rối nước như là một nét độc đáo riêng có của Việt Nam. Với sự thành công của một số tác phẩm rối cạn gần đây, có thể nói rằng nghệ thuật múa rối Việt Nam đã đi bằng cả “hai chân”: rối nước và rối cạn?

- Những năm gần đây sân khấu múa rối đã có bước tiến dài, ở cả loại hình rối nước và rối cạn. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều chương trình biểu diễn được khán giả trong nước và quốc tế đón nhận, đánh giá cao. Thể loại đã đa dạng, nhiều yếu tố mới cũng được đưa vào vở diễn. Múa rối đã tiếp cận tới đủ loại đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại, đời thường, sản xuất, chiến đấu... Nhiều tác phẩm mang hồn cốt, bản sắc văn hóa và đặc trưng thẩm mỹ rất Việt Nam. Đặc biệt là sự vươn lên của loại hình rối cạn, trong các kỳ liên hoan múa rối khu vực và quốc tế, các tiết mục rối cạn của chúng ta luôn được đánh giá cao về chất lượng cũng như giành nhiều giải thưởng lớn. Như vậy có thể nói rằng rối cạn và rối nước đang song hành trên sự phát triển của nghệ thuật múa rối Việt Nam.

- Thực tế, nghệ thuật rối nước cổ truyền rất đa dạng và phong phú, nhưng hiện tại dường như các phường rối chỉ diễn đi diễn lại mươi trò. Vậy nếu như chúng ta phát triển mạnh mẽ rối cạn có làm mai một và tiêu biến rối nước, một nghệ thuật độc đáo của dân tộc, thưa Ông?

- Nghệ thuật rối cạn thì các nước trên thế giới đều có, nhưng riêng rối nước thì chỉ duy nhất chúng ta có. Với sự độc đáo, riêng biệt như vậy, tôi nghĩ rằng rối nước không thể và không bao giờ có thể mai một. Chỉ có rối cạn phải cố gắng làm thế nào để tồn tại, có vị trí xứng đáng bên cạnh rối nước mới là sự cố gắng lớn. Tuy nhiên, để phát triển nghệ thuật rối nước cổ truyền thì bắt buộc chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc duy trì vốn cổ, mà phải lấy đó làm căn bản để phát triển, làm mới, khai thác ở những góc nhìn khác nhau... Và tôi nghĩ rằng, không phải phát triển rối cạn thì sợ rối nước bị lãng quên hay ngược lại, đơn giản là cả rối nước và rối cạn đang đi bằng hai chân, quan trọng là làm thế nào để hai chân cùng bước vững vàng mà thôi.

- Xin cám ơn Ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Múa rối - bản sắc tạo nên sự lôi cuốn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO