Mua láng giềng gần

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:34 - Chia sẻ
Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Tehran kéo dài hai ngày cuối tuần qua và gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của Iran như Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Quốc hội Mohammed Bagher Ghalibaf và Ngoại trưởng Mohammad Javad. Chuyến thăm một lần nữa cho thấy sự cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa hai láng giềng có bề dày lịch sử không mấy suôn sẻ này.

Bối cảnh đáng chú ý

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Iraq tới thủ đô Iran, sau khi người đồng cấp Iran Zarif tới thăm Iraq năm ngoái nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Hãng tin AP cho biết, Ngoại trưởng Zarif đến thăm Baghdad vào giữa tháng 7.2019. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo ngoại giao này tới Iraq kể từ khi cuộc không kích của Mỹ vào tháng Giêng đã khiến vị tư lệnh lừng danh của lực lượng đặc nhiệm Quds, Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Qassim Soleimani thiệt mạng bên ngoài sân bay quốc tế Baghdad. Cuộc tấn công trên đã đẩy Iraq đến bờ vực của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm Mỹ - Iran có thể gây bất ổn cho Trung Đông.

Các cuộc gặp cấp cao cuối tuần qua của Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein diễn ra sau khi Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Tehran tháng 7.2020 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức đầu tháng 5 sau gần 6 tháng bế tắc chính trị.

Tổng thống Iran Rouhani đã bày tỏ Iran hoàn toàn ủng hộ sự thống nhất giữa các phái Hồi giáo Shia, Sunni và người Kurd ở Iraq, đồng thời nói rằng quân đội Mỹ là nhân tố gây bất ổn trong khu vực. Ông phát biểu: “Chúng tôi coi sự hiện diện của quân đội Mỹ có vũ trang trong khu vực, cho dù ở Iraq, Afghanistan hay các quốc gia phía nam vịnh Ba Tư đều có hại cho an ninh và ổn định của khu vực". Nhà lãnh đạo này nói thêm, trách nhiệm không chỉ đối với Iran mà còn đối với bất kỳ quốc gia nào có lực lượng Mỹ trên đất liền là phải cố gắng chấm dứt sự hiện diện đó.

Sau khi tướng Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát, căng thẳng Iran - Mỹ lên đỉnh điểm. Là nhân vật quyền lực thứ 2 và rất được tôn kính ở Iran, cái chết của ông đã châm ngòi cho một loạt cuộc biểu tình lớn ở cả Iran lẫn Iraq. Thậm chí, Quốc hội Iraq đã nhanh chóng bỏ phiếu trục xuất hơn 5.000 lính Mỹ. Tổng thống Donald Trump nhanh chóng đáp trả bằng cách đe dọa đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iraq, đồng thời gửi cho nước này hóa đơn trị giá hàng tỷ USD cho các căn cứ đắt tiền của Mỹ được xây dựng ở đây.

Thực tế, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, sẽ rút Mỹ khỏi “các cuộc chiến tranh bất tận” và lên kế hoạch rút toàn bộ quân đội ra khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Vào đầu tháng 9, chỉ huy hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, Tướng Kenneth McKenzie, tuyên bố Washington sẽ giảm sự hiện diện của quân đội ở Iraq xuống còn 3.000 người vào cuối tháng.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ghalibaf và Ngoại trưởng Iraq cũng thảo luận về an ninh khu vực, chủ quyền của Iraq và vai trò tại khu vực cùng với việc cải thiện các mối quan hệ kinh tế. Ngoài ra, hai quan chức còn đề cập đến việc kết nối thành phố Basra của Iraq với thành phố Khorramshahr của Iran bằng đường sắt, cũng như những thỏa thuận bình thường hóa do Mỹ làm trung gian giữa Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với Israel. Chủ tịch Ghalibaf nhấn mạnh: “Không nghi ngờ gì nữa, thế giới Hồi giáo không được im lặng về điều này, vì vấn đề của Palestine là mối ưu tiên của các quốc gia Hồi giáo”.

Nguồn: ITN

Đẩy mạnh quan hệ

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iraq Hussein, Tổng thống Iran Rouhani nhấn mạnh đến việc phát triển các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa với nước láng giềng Iraq. Bản thân ông Hussein cũng đánh giá, phát triển quan hệ song phương rất quan trọng, và mục tiêu chính của ông khi đến Tehran là đạt được tiến bộ trong quan hệ biên giới, vận tải và thương mại. Ông cho biết một ủy ban đặc biệt do Thủ tướng Iraq phê duyệt đã được thành lập và sẽ tới Iran trong hai tuần tới để đàm phán cũng như hoàn thiện các thỏa thuận song phương.

Chủ đề thảo luận chính của Ngoại trưởng Hussein trong các cuộc họp với tất cả các quan chức Iran còn xoay quanh vấn đề nạo vét từng phần sông Shatt al-Arab, dài 200km, vốn được gọi là Arvand Rud ở Iran. Đầu phía Nam của sông tạo thành biên giới giữa Iran và Iraq, trong khi cửa sông đổ ra vịnh Ba Tư. Hai nước đặt mục tiêu mở rộng quan hệ thương mại qua sông.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Iran Zarif còn nói với người đồng cấp rằng, chủ quyền của Iraq rất quan trọng đối với Iran, đồng thời tố cáo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các nhà ngoại giao Iran hoặc các cơ sở ngoại giao ở Iraq. Tháng 11 năm ngoái, lãnh sự quán Iran ở Karbala đã bị bao vây bởi hàng trăm người biểu tình chống chính phủ ở Iraq do bất mãn với nạn tham nhũng tràn lan, dịch vụ công nghèo nàn, tỷ lệ thất nghiệp cao, hay ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong các vấn đề của nhà nước Iraq…

Là những láng giềng có chung đường biên giới đến gần 1.450km. Trong nhiều thế kỷ, người Iran và Iraq vô số lần xảy ra chiến tranh. Cuộc chiến Iran - Iraq gần đây nhất diễn ra khi cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein chỉ đạo xâm lược Iran ngày 22.9.1980 do lo ngại cuộc Cách mạng Hồi giáo xảy ra tại đây năm 1979. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 7.1988 với trên nửa triệu người thiệt mạng sau 8 năm.

Phần lớn người Iran có nguồn gốc Ba Tư, trong khi người Iraq chủ yếu mang di sản Ảrập. Iran ngày nay định hình bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, còn Iraq bị Mỹ xâm chiếm và cải cách năm 2003. Điểm chung lớn nhất giữa Iran và Iraq là quốc giáo đạo Hồi, 90% người Iran và 60% người Iraq theo Hồi giáo dòng Shiite (lần lượt 8% và 37% theo dòng Sunni). Về tài nguyên, cả hai nước đều sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn, Iran ước chừng 136 tỷ thùng, còn Iraq khoảng 115 tỷ thùng. Dầu mỏ là nguồn xuất khẩu quan trọng và cũng là nguyên nhân khiến biết bao tai ương đổ xuống vùng đất này.

Sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, quan hệ Iran - Iraq tiến một bước dài và thương mại thông thường được khởi động. Thực tế, theo giới quan sát, lâu nay Iran luôn coi láng giềng Iraq là con đường khả thi để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ được Tổng thống Donald Trump tái áp năm 2018 sau khi rút đất nước cờ hoa ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới. Theo hãng thông tấn IRNA, xuất khẩu của Iran sang Iraq trong giai đoạn từ tháng 3.2019 - 3.2020 lên tới gần 9 tỷ USD. Ngoài ra, hai quốc gia sẽ thảo luận về mục tiêu tăng số tiền trên lên 20 tỷ USD thời gian tới.

Không chỉ dựa vào nhau về mặt kinh tế, hôm 23.7, Iran và Iraq còn ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự trong các lĩnh vực an ninh biên giới, hậu cần, huấn luyện và cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, một động thái có thể khiến Washington không mấy vui vẻ.

Linh Anh