Mua hàng giá rẻ theo nhóm - lợi ích nào cho người tiêu dùng?

Vũ Dũng 22/09/2011 07:25

Trong bối cảnh lạm phát, nhiều người tiêu dùng đang tìm đến các website bán hàng giá rẻ. Các trang web này chỉ thay mặt cho nhà sản xuất, bán một số lượng hàng hóa, dịch vụ có hạn với giá rẻ, để kích thích người tiêu dùng. Do đó, nhiều ý kiến đã lo ngại về tính pháp lý của hình thức thương mại này, cũng như rủi ro đối với người tiêu dùng.

Mua hàng giá rẻ theo nhóm - lợi ích nào cho người tiêu dùng? ảnh 1
Nguồn: gox.vn

Có thể thấy, nhiều người tiêu dùng, chủ yếu là tại các thành phố lớn đã sử dụng giải pháp mua chung để giảm chi phí khi muốn sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào đó. Với giá rẻ, dịch vụ này đã kích thích người tiêu dùng sử dụng ngày một nhiều. Hình thức này mới xuất hiện ở nước ta từ năm 2009, nhưng đã được sử dụng phổ biến trên thế giới, với tên gọi Groupon. Trong đó, đơn vị trung gian lập một trang web, sau đó hợp tác với các nhà sản xuất, bán hàng khuyến mại giá rẻ với số lượng có hạn. Khi website gom đủ số người đăng ký mua hết số hàng hóa đó, thì khách hàng sẽ được nhà sản xuất phát phiếu giảm giá, và được mua sản phẩm với giá rất hấp dẫn. Thông thường mua hàng qua kênh này, người mua được giảm tới 40 – 60%, nhưng có thể đến 80, thậm chí 90%. 

Từ khi xuất hiện hình thức mua hàng giá rẻ theo nhóm, hàng hóa được chào bán nhiều, nhất là các tour du lịch, các gói ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thậm chí cả dịch vụ y tế, sản phẩm công nghệ… Phụ trách bán hàng của Hãng bánh tư nhân Đỗ Thế Gia Đỗ Thu Thủy cho biết, lợi ích của hình thức này không nằm ở bán hàng, mà là quảng bá thu hút khách hàng, tiếp thị sản phẩm. Với giá bán rẻ hơn bình thường, hàng hóa, dịch vụ sẽ thu hút được khách hàng quan tâm. Với chương trình bán ra 500 phiếu giảm giá, hãng bánh Đỗ Thế Gia đã quảng bá được thương hiệu đến người tiêu dùng, thậm chí nhiều khách hàng đã quay trở lại mua.

Nghiên cứu của nhiều nước có hình thức mua hàng giá rẻ theo nhóm phát triển nhiều năm qua cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng hình thức này để quảng bá. Bởi nếu bán hàng với mức chiết khấu lớn đến 90% thì doanh nghiệp sẽ lỗ. Việc giảm giá liên tục sẽ khiến khách hàng ngờ vực về chất lượng sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp. Dù vậy, tại nước ta, dịch vụ mua bán này vẫn thu hút người tiêu dùng. Trong đó, chỉ sau ba tháng có mặt tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Cùng mua đã thu hút được khoảng 400 doanh nghiệp tham gia, cũng như nhiều khách hàng sử dụng website cungmua.com. Tuy nhiên, hình thức mua bán này không dễ gì thỏa mãn được cả nhu cầu doanh nghiệp và khách hàng. Bởi người tiêu dùng có cảm giác hàng hóa dịch vụ họ mua có chất lượng không được như quảng cáo. Còn phía nhà sản xuất chưa khai thác hay thu hút được khách hàng tiềm năng họ mong muốn. Song, nhiều doanh nghiệp đánh giá hình thức thương mại này sẽ tiếp tục phát triển.

Vấn đề được quan tâm hiện nay là tính pháp lý của hình thức thương mại này và rủi ro nào sẽ đến với người tiêu dùng? Theo Cục thương mại điện tử, Bộ Công thương, cũng giống như nhiều hình thức mua bán hàng hóa khác, hình thức Groupon cũng có rủi ro như quảng bá hàng hóa sai sự thật. Thông tin báo chí cũng nêu những phàn nàn của người tiêu dùng về việc hàng hóa không đúng với quảng cáo hoặc chưa rõ nguồn gốc, nhất là đối với hàng ăn uống, các gói sản phẩm quảng cáo khá hấp dẫn, nhưng khi khách hàng đến nhà hàng thì suất ăn thường ít và phải chi tiền thêm. Nhưng theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Vương Ngọc Tuấn, đến nay chưa có khiếu nại nào đến hội về hình thức mua bán này.  

Dưới góc độ pháp lý, đại diện Phòng pháp chế, Cục thương mại điện tử, Bộ công thương cho biết, hiện chưa có quy định riêng về hình thức cùng nhau mua hàng giá rẻ này. Tuy nhiên, nếu có đủ bằng chứng về quảng bá sai sự thật, hay hàng hóa chất lượng không đúng tiêu chuẩn, thì có thể xử lý bằng pháp luật. Hơn nữa, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã quy định nhiều chế tài để xử lý những vi phạm quyền của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dù hình thức thương mại nào thì vẫn có những giao dịch truyền thống hoặc bán truyền thống. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã bao quát được hầu hết các sai phạm truyền thống, bán truyền thống. Vì vậy, không có chuyện vì là sai phạm trong giao dịch này mà khó có thể xử lý được hoặc phải xử lý khác đi. Các trang web theo hình thức mua hàng hóa chung sẽ bị xử phạt theo luật định khi quảng bá sai hay không chính xác mà chứng minh được.

Đồng thời, trong hình thức mua này, người dùng cũng có những quyền lợi của mình qua cộng đồng mạng. Nếu dịch vụ sai sự thật, không tốt, thì thông tin sẽ được phản ánh nhanh chóng trên cộng đồng này và sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp sẽ mất uy tín, không mấy người tiếp cận nữa. Và có thể căn cứ vào hợp đồng giữa trang web trung gian với nhà sản xuất, hoặc cam kết giữa trang web với khách hàng để xử lý. Chủ các website này muốn kinh doanh lâu dài, thì khi hợp đồng với các nhà sản xuất, cũng phải có các điều kiện ràng buộc để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đến cùng.

Rõ ràng, đang có sự lan tỏa khá tốt, như một làn gió mới trong hình thức thương mại điện tử ở nước ta. Các doanh nghiệp trong nước có thể nghiên cứu sự thành công của hình thức thương mại này, để kích thích việc quảng bá, bán hàng hóa dịch vụ trong nước, nhất là thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt. Song người tiêu dùng cũng băn khoăn về việc chưa có những quy định pháp lý riêng cho hình thức mua hàng giá rẻ theo nhóm này. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thương mại cần sớm hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mua hàng giá rẻ theo nhóm - lợi ích nào cho người tiêu dùng?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO