Múa dân gian Tây Bắc

Thanh Nga 09/07/2009 00:00

Những điệu múa dân gian vùng Tây Bắc vừa mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền núi.

04-Mua-Dg-19009-300A1.jpg

Nói đến nghệ thuật dân gian của người Thái không thể không nói đến điệu múa xòe đặc trưng. Theo các già làng, múa xòe xưa có tới 32 điệu, như xòe nón, xòe khăn với màu sắc rực rỡ. Xòe vòng sôi nổi bao nhiêu thì xòe điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Nổi bật trong đêm xòe là các cô gái Thái nhẹ nhàng, duyên dáng qua từng bước đi điêu luyện, hay động tác lao nhanh chiếc nón xinh xắn, lúc quay vai, nghiêng người xoay tròn như cánh bướm. Ngày nay, múa xòe không chỉ của riêng người Thái mà đã trở thành biểu tượng của văn hóa vùng Tây Bắc. Múa xòe thường xuyên được tổ chức trong những cuộc vui từ thôn bản đến cả vùng Tây Bắc. Cuối tháng 3 vừa qua tại Lai Châu đã diễn ra Ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11. Đêm khai mạc đã có kỷ lục múa xòe với hàng ngàn người tham gia, gồm nhiều dân tộc anh em từ 6 tỉnh vùng Tây Bắc về Lai Châu dự hội.

Con trai Mông khi đi chơi, đi chợ hay đi dự hội luôn mang theo mình cây khèn. Múa khèn đã trở thành một “đặc sản” của văn hóa Mông, thể hiện sức sống mãnh liệt của tộc người này. Các động tác của múa khèn thể hiện tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo và tài hoa với yếu tố nghệ thuật cao. Múa khèn có tới 33 động tác vũ đạo trữ tình và điêu luyện, trong đó môtíp chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc… Cây khèn vừa là nhạc cụ độc đáo, vừa là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy... Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè, vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót…

04-Mua-Dg-19009-300A2.jpg

Một trong những điệu múa khá phổ biến trong các dịp lễ hội là múa sạp. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Mường. Múa sạp có ưu điểm là sôi nổi và rộn ràng, ai cũng có thể tham gia, do đó nó mang tính cộng đồng cao. Bạn bè quốc tế cũng thích điệu múa này, bởi động tác dịu dàng, uyển chuyển, âm nhạc vui tươi…

Các dân tộc khác ở Tây Bắc cũng có những điệu múa dân gian riêng, như điệu Tăng bu của dân tộc La Ha, hay những vũ điệu đầy sức hấp dẫn với các động tác lắc mông, lượn eo uyển chuyển của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun, hay điệu múa chuông nổi tiếng của dân tộc Dao...

 Những điệu múa dân gian vốn là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao đã tồn tại lâu đời trong đời sống tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Ngày nay, với chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các tộc người thiểu số, sở VH, TT và DL các tỉnh Tây Bắc đã có kế hoạch tuyên truyền, động viên bà con dân tộc ở các bản làng của Tây Bắc duy trì thường xuyên những bài ca, điệu múa dân gian, nhất là trong các ngày lễ hội, ngày tết, hay các liên hoan, tạo cơ hội cho người dân hưởng thụ văn hóa tinh thần, vui chơi và dạy cho con cháu mình múa, hát đúng và hay  những bài ca điệu múa của dân tộc mình. Khi đó, múa xòe, múa sạp, múa khèn… không còn của riêng người Thái, người Mường, người Mông… nữa mà đã trở thành công cụ văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa các tộc người. Cũng có thể xem đây là cách làm đáng khích lệ, vì nó thiết thực góp phần trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Múa dân gian Tây Bắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO