Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp để tăng trưởng

- Thứ Sáu, 16/08/2013, 08:18 - Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ hồi phục sau 3 năm nữa và nhà đầu tư dài hạn sẽ trở lại. Vì vậy, đây là giai đoạn tốt để các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) đàm phán để có giá cả tốt nhất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không tính toán kỹ sẽ tốn nhiều chi phí mà hiệu quả không cao, kết quả chỉ là việc chắp nối khập khễnh.

Để tránh một thương vụ M&A thất bại, có trường hợp doanh nghiệp đặt mục tiêu vượt quá tầm kiểm soát của mình, như cá bé muốn nuốt cá lớn. Nhưng trên thực tế, không phải không có những thương vụ như vậy đã thành công. Câu chuyện của “cá bé” Thiên Minh là một ví dụ. Năm 2011, Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh đã gây tiếng vang lớn khi công bố sở hữu chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts có thương hiệu nổi tiếng thế giới. Lúc ấy, tài sản của Thiên Minh chỉ khoảng 500 tỷ đồng, vậy mà trị giá của thương vụ lên tới gần nghìn tỷ đồng (45 triệu USD, cộng với phí giao dịch). Thực tế đã cho thấy, Thiên Minh đã đi ngược dòng thành công. Giám đốc Tài chính CTCP Du lịch Thiên Minh Hồ Việt Hà cho hay, vấn đề quan trọng nhất là công ty đã chọn đúng mục tiêu, xác định được các yếu tố để nhân lên sức mạnh giữa hai doanh nghiệp, tạo được giá trị cộng hưởng, không làm triệt tiêu những gì thương vụ M&A có thể tạo ra.


Nguồn: ITN
Thương vụ tập đoàn y tế Fortis đầu tư vào tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu của một thương vụ M&A thành công. Trị giá của doanh nghiệp đã tăng từ 100 triệu USD vào năm 2012 lên 120 triệu USD sau 1 năm. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ Nguyễn Hữu Tùng cho biết, tập đoàn xác định ngay từ đầu là tìm đối tác để phối hợp với mình, đối tác phải có chiến lược, văn hóa gần giống với mình. Tập đoàn đã tìm thấy sự gần giống với mình nhất là ở đối tác từ các nước châu Á, chứ các nước Mỹ và châu Âu thì cần rất nhiều thời gian để hòa nhập, họ sẽ tạo ra bất ổn trong M&A.

Một thông tin bất ngờ được GS Nigel Denscombe - Nhà tư vấn quản trị chiến lược quốc tế tại Tokyo và NewYork cho biết, theo nghiên cứu, có tới 80% doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng sau khi tiến hành các thương vụ M&A, chỉ có 20% là hài lòng. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là bởi các doanh nghiệp đã không chuẩn bị tốt trước khi tiến hành một thương vụ M&A. Doanh nghiệp không phân tích tình trạng của mình và của doanh nghiệp sắp mua; không xác định rõ chiến lược dài hạn và những khó khăn, thách thức trong vấn đề tài chính và văn hóa doanh nghiệp, kiểm soát, các mối quan hệ công việc. Giáo sư Nigel khuyến cáo, nếu doanh nghiệp không xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể thì xác suất thất bại rất cao. Có rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp cần tính toán trước khi tiến hành M&A như mục tiêu chiến lược, làm sao giữ được nhân tài, làm sao tạo sức mạnh tổng hợp, hòa hợp về nguồn tài chính và văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không nên thanh toán chi phí M&A tốn kém quá, đừng bao giờ nghĩ chi nhiều tiền sẽ thành công.

Dù M&A không phải lúc nào cũng có quả ngọt, song số lượng và giá trị các thương vụ M&A đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Riêng tại Việt Nam, giá trị M&A tăng 70% trong năm 2012. Trong đó, khu vực ASEAN được dự báo sẽ là tâm điểm M&A thời gian tới. Ông Marc Djandji, Phó giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Dầu khí khẳng định, Asean đang là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng so với nhiều khu vực khác. Do đó, trên thế giới đang hình thành xu hướng các nhà đầu tư dần chuyển vốn khỏi Ấn Độ, Trung Quốc, tiến hành các hoạt động M&A tại Asean. Với số lượng người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, Asean đang trở thành điểm nóng hấp dẫn M&A, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này tiếp tục gia tăng. Dù giá trị gia tăng từ các thương vụ M&A là rất lớn, song ông Marc Djandji lưu ý, các doanh nghiệp khi tiến hành M&A nên lựa chọn các ngân hàng đầu tư thay vì lựa chọn các môi giới khác. Trước khi bên mua giao tiền, họ mong muốn rằng doanh nghiệp được mua đúng như thông tin họ đã biết, tránh những hiểu lầm đáng tiếc, bất đồng trong tương lai. Ngân hàng đầu tư là vùng đệm làm cho thuận lợi hơn quá trình thảo luận giữa hai bên, vừa là trung gian để giúp 2 bên đạt được sự đồng thuận, chốt thương vụ một cách thành công và đạt giá trị cao nhất.

Mua bán và sáp nhập để hỗ trợ nhau tăng trưởng là một trong những yếu tố tất yếu để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Xuân Lan