Mua bán trực tuyến – sẽ phát triển khi có đủ cơ sở pháp lý
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, việc mua bán hàng hóa và đăng ký dịch vụ qua mạng đã phổ biến hơn ở nước ta. Nhưng việc quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng không hề dễ dàng, khi cả người bán lẫn người mua đều chỉ biết nhau qua nick name. Song, khó không có nghĩa là sẽ không quản lý được.
Sau 15 năm, nước ta đã trở thành một trong nhữäng nước có tốc độ phát triển internet cao nhất thế giới. Cùng với đó, hình thức mua bán trực tuyến hay còn có tên gọi khác là mua bán trên mạng cũng hết sức phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức giao dịch thương mại điện tử ở nước ta vẫn giống như phương thức thương mại truyền thống, chủ yếu là do thói quen và tập quán mua bán của người dân. Hạ tầng về thanh toán trực tuyến cũng như bảo vệ người mua chưa đầy đủ và chưa phổ biến đến mọi người dân. Theo thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiện các giao dịch mua bán qua mạng thành công mới chiếm khoảng 0,3% tổng doanh số bán lẻ toàn quốc. Thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc 3,3%, Nhật Bản 5%. Nhiều người tiêu dùng cho biết, chưa sử dụng phương thức mua hàng này do lo ngại chất lượng có đúng như lời quảng cáo hay không? giá bán có tương xứng với chất lượng hay không? Vì tâm lý này nên dù cả nước có tới gần 10.000 trang mua bán hàng qua mạng, chưa kể các trang bán hàng nằm trong các diễn đàn, nhưng hiệu quả của mua bán qua mạng vẫn rất thấp.
Không thể phủ nhận thực tế là bên cạnh nhiều giao dịch thành công thì đã có những vụ lừa đảo qua mua bán trên mạng. Trong đó, hai hình thức lừa đảo phổ biến là chiếm dụng tiền (nhận tiền nhưng không giao hàng) hoặc gian lận về chất lượng hàng hóa (giao hàng không đúng chất lượng quảng cáo). Theo thống kê của các chuyên gia thương mại điện tử trên thế giới thì giá trị trung bình của một giao dịch mua bán trên mạng chỉ vào khoảng 30 - 40 USD. Với giá trị nhỏ như vậy, các ngân hàng sẽ khó triển khai nghiệp vụ để đòi lại tiền cho khách hàng nếu khách hàng chuyển khoản trực tiếp cho người bán.
Trước thực tế này, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng, người tiêu dùng cần lưu ý chỉ nên giao dịch mua hàng trực tuyến tại các sàn giao dịch trung gian chuyên nghiệp, không nên mua hàng tại các website rao vặt, diễn đàn. Bởi công tác chứng thực tại những website này chưa đủ tin cậy. Khi giao dịch tại các sàn giao dịch chuyên nghiệp thì chỉ nên mua tại các shop, các gian hàng đã được ban quản lý của sàn giao dịch đó chứng thực. Chỉ nên thanh toán qua các công cụ thanh toán trung gian đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và chỉ chọn hình thức thanh toán tạm giữ. Đồng tình với quan điểm này, theo Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương Lại Thị Việt An, cơ quan quản lý chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin. Và như các hình thức thương mại khác, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cơ bản trước khi tham gia mua bán trực tuyến, cũng như sẵn sàng khởi kiện khi cần thiết.
Mua bán qua mạng là một phần của thương mại điện tử - là một loại hình thương mại ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do hình thức này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên cũng vấp phải những khó khăn nhất định do tập quán mua bán, thói quen bóc ngắn cắn dài và khả năng giữ chữ tín của một số người kinh doanh. Hình thức này sẽ phát triển mạnh hơn khi các văn bản pháp lý đầy đủ, chặt chẽ; người dân quen với việc mua bán không trực tiếp; các hỗ trợ kỹ thuật cho thương mại điện tử hoàn thiện.