Hàng trăm tỷ đồng được giải ngân
Trong năm 2024, huyện Mù Cang Chải được giao trên 240 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến thời điểm này, huyện đã giải ngân trên 119 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch.
Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại Mù Cang Chải xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí với cách làm sáng tạo và phù hợp.
Các chính sách, dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng được triển khai lồng ghép đồng bộ, đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo được nâng cao, tạo phong trào giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đặc biệt, sức dân được huy động tối đa cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; số người nghèo được thụ hưởng các thành quả kinh tế - xã hội ngày càng nhiều.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, bằng việc làm cụ thể, đã đóng góp thêm nguồn lực để kiên cố đường giao thông, xóa nhà tạm, nhà dột nát; cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp, cải tạo khang trang hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Qua đó, góp phần để 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện Mù Cang Chải tăng 5,7% so với cùng kỳ; trồng rừng mới vượt 9,6% kế hoạch, tăng 19,2%; tổng đàn gia súc tăng 10,3%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 4,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; thu ngân sách đạt 82,89 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán tỉnh giao và 49,3% kế hoạch…
Được biết, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023, huyện Mù Cang Chải được giao vốn trên 142 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương trên 136,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, toàn huyện còn 5.166 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 38,45%; con số lần lượt với hộ cận nghèo là 1.136 và 8,46%.
Phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới
Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, bên cạnh những thuận lợi, như được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở dạy nghề; sự tích cực tham gia học nghề của người lao động trên địa bàn… hoạt động đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp vẫn gặp không ít trở ngại.
Ông Đỗ Công Chúng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết, từ những khó khăn vốn có của huyện vùng cao với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên khi thực hiện các chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chúng tôi luôn coi trọng, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, nhất là đối với nhóm đối tượng chuyển đổi nghề… tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động.
Theo đó, Mù Cang Chải đã thực hiện đổi mới công tác quản lý; chỉ đạo chuyên môn các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hàng năm, huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch thống kê rà soát nguồn lao động, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn… để các cơ sở dạy nghề trong, ngoài huyện tổ chức đào tạo nghề và tư vấn, tuyên truyền, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động vào làm việc hoặc xuất khẩu lao động.
Cùng với đó, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong đó, tăng cường đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu lao động; chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh; đặc biệt tập trung đào tạo nghề theo chiều sâu, theo nhu cầu dịch vụ, du lịch của xã hội và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo thống kê, năm 2023, Mù Cang Chải đã chuyển dịch 415 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; trong đó: xây dựng, giao thông là 31 lao động; cơ khí với 38 lao động; khách sạn, nhà hàng là 89 lao động; du lịch 78 lao động; may mặc 46 lao động và 133 lao động thuộc ngành nghề khác. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Mù Cang Chải đã chuyển dịch 215/400 lao động nông thôn sang các ngành nghề như: du lịch, bán hàng, nhà hàng, may mặc…
Bên cạnh đó, huyện tăng cường đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch… giúp nhiều lao động nông nghiệp được chuyển đổi nghề, được tạo việc làm, có thêm thu nhập ổn định, bền vững.