Mũ bảo hiểm “độc nhất thế giới”?

CHÍ TUẤN 16/04/2017 07:57

“Để có chiếc mũ bảo đảm an toàn, đồng thời vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống khi lấy chồng phải búi tóc trên đầu (tằng cẩu - PV) của phụ nữ dân tộc Thái, các cơ quan chức năng đã trải qua hành trình dài hơn 10 năm”. Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng trong lễ trao tặng mũ bảo hiểm cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn tổ chức tại Sơn La mới đây.

Từ những trăn trở 

Hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La hôm diễn ra buổi lễ rực rỡ hơn mọi ngày, có lẽ nhờ sự góp mặt của hàng trăm đại biểu đại diện dân tộc Thái với nhiều sắc màu. Khuôn mặt ai nấy đều ánh lên sự tươi vui, đặc biệt khi nghe câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái. Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay: Trong một lần đi công tác các tỉnh Tây Bắc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, bày tỏ cảm kích trước sự tuân thủ pháp luật của chị em dân tộc Thái. Dù có búi tóc trên đầu, các chị vẫn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với chiếc mũ bảo hiểm thông thường, khi đội chênh vênh chẳng may gặp tai nạn thì tác dụng bảo vệ an toàn rất thấp. Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo nghiên cứu, thiết kế loại mũ mới, đạt tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với phụ nữ dân tộc Thái. Trước đó, sau khi nghe báo cáo về tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh miền núi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cũng mong muốn các cơ quan chức năng tìm ra loại mũ bảo hiểm an toàn, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái, ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

Những phụ nữ dân tộc Thái, tỉnh Sơn La phấn khởi với chiếc mũ tằng cẩu trên đầu Ảnh: Chí Tuấn
Những phụ nữ dân tộc Thái, tỉnh Sơn La phấn khởi với chiếc mũ tằng cẩu trên đầu
Ảnh: Chí Tuấn

Xuất xưởng “mũ tằng cẩu”

 Sau chương trình trao tặng mũ tằng cẩu cho phụ nữ dân tộc Thái, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai nhiều chương trình khác như tổng rà soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến lòng hồ Thủy điện Sơn La, Hòa Bình… Đồng thời Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sớm trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 57 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng

Từ những trăn trở trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, thậm chí đích thân ông Hùng cùng các chuyên gia, đại diện nhà sản xuất đã đi khắp bản, làng các tỉnh có dân tộc Thái sinh sống tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để thiết kế mẫu mũ phù hợp. Bên cạnh yếu tố văn hóa, thẩm mĩ thì vấn đề quy chuẩn chất lượng, giá thành cũng gặp khó khăn. “Khi thiết kế xong mẫu, gửi sang Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thì được thông báo hiện không có thiết bị nào kiểm tra, thử nghiệm được độ an toàn, quy chuẩn loại mũ có thiết kế mới này, ngay cả trên thế giới cũng chưa có”, ông Hùng kể.

Đề cập đến vấn đề tài chính, ông Khuất Việt Hùng cho biết: Phụ nữ dân tộc Thái chỉ có khoảng 200 nghìn người, trong khi chi phí đầu tư ban đầu sản xuất rất tốn kém, vậy doanh nghiệp nào dám vào cuộc? Tuy nhiên, đáng mừng là chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp. Nhờ vậy, những chiếc mũ bảo hiểm tằng cẩu phù hợp với búi tóc trên đỉnh đầu của phụ nữ Thái đã được xuất xưởng. Mũ có các bộ phận gồm vỏ, hấp thụ xung động, quai đeo và kính chắn gió, chắn côn trùng bay trên đường. Đặc biệt, mũ có phần chóp nhọn cao từ 8 - 10cm để chứa búi tóc cho chị em. Ngoài ra mũ tằng cẩu còn được thiết kế thêm hoa văn màu vàng có khả năng phát quang giống như các biển báo giao thông để tăng thêm tính an toàn cho người sử dụng vào ban đêm.

“Mũ này đội thích lắm!”

Đó là cảm nhận của nhiều chị em dân tộc Thái về mũ tằng cẩu. Đội chiếc mũ bảo hiểm được tặng, chị Lò Thị Hồng, 47 tuổi, dân tộc Thái đen, bản Nà Cọ, phường Chiềng Coi, TP Sơn La không giấu nổi niềm vui cho biết: “Nghe huyện thông báo có đoàn Ủy an An toàn giao thông Quốc gia tặng quà, chúng tôi háo hức cả tuần, chỉ mong đến ngày hôm nay”. Cùng tâm trạng, chị Cà Thị Dinh, bản Dỉn, phường Chiềng Xôm bày tỏ: “Với phụ nữ dân tộc Thái, tằng cẩu là một nét đẹp thiêng liêng. Chiếc mũ bảo hiểm hiện nay đội không vừa vì tằng cẩu cao, mỗi khi đội ra đường thấy chòng chành, khó chịu lắm. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm cho mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái, vừa đẹp, lại vừa đầu, đội thích lắm, tôi phải đội ngay đi về nhà vận động bà con mua”. 

Ngắm nghía chiếc mũ bảo hiểm có phần chóp nhô cao, chị Tòng Thị Lợi, 45 tuổi, bản Bóng Phiêng, xã Chiềng Cọ nói: “Chưa bao giờ nhìn thấy mũ bảo hiểm nào đẹp và có hình hoa văn thế này. Chiếc mũ tằng cẩu rất phù hợp với phụ nữ dân tộc Thái. Nếu được cho thì tốt quá, còn nếu bán thì rẻ thôi, bán đắt là bà con không có tiền mua đâu”.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải cho biết: Người Thái đen trên cả nước nói chung và tại Sơn La nói riêng khi lấy chồng có tục lệ phải có búi tóc trên đỉnh đầu (tiếng Thái gọi là tằng cẩu). Do đó, việc buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là trở ngại, bất cập. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với sự động viên của các ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp, đặc biệt là có loại mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái sẽ nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật giao thông cho đồng bào dân tộc, đồng thời gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Nếu nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó thì đội mũ bảo hiểm có sự bất tiện với phụ nữ dân tộc Thái. Với nỗ lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mũ tằng cẩu ra đời đã giải quyết được vấn đề bất tiện đó. Quan trọng hơn cả, mũ tằng cẩu sẽ hạn chế hậu quả về người khi không may xảy ra tai nạn giao thông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mũ bảo hiểm “độc nhất thế giới”?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO