Một vành đai - một con đường phương tiện của học thuyết Giấc mộng Trung Hoa
Từ khi thế hệ lãnh đạo thứ 5 lên cầm quyền, Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng chiến lược xây dựng Vành đai kinh tế trên con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, gọi tắt là Một vành đai - một con đường. Ý tưởng này với Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược và tầm ảnh hưởng toàn cầu, khi lấy tinh thần của con đường tơ lụa cổ kính: đoàn kết, tin cậy, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển kết hợp với học thuyết giấc mộng Trung Hoa.
Ngay từ khi đề xuất, ý tưởng chiến lược này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và được các nước dọc con đường tơ lụa ủng hộ. Một năm qua, thông qua mô hình hợp tác sáng tạo đổi mới, Trung Quốc cùng với các quốc gia và tổ chức khu vực liên quan đã nỗ lực xây dựng Một vành đai - một con đường, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia và khu vực dọc con đường tơ lụa.
Lợi ích này khi được hiện thực hóa hết sức to lớn, đó là hình thành hành lang kinh tế có chiều dài dài nhất và tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, với 4,4 tỷ dân, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt tới 21.000 tỷ USD, lần lượt chiếm 63% và 29% dân số và GDP trên thế giới. Quan trọng hơn, các nước thuộc dự án Một vành đai - một con đường đều được đánh giá là những nền kinh tế năng động và được hỗ trợ.
Một năm qua, nhờ sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước dọc con đường tơ lụa, chiến lược Một vành đai - một con đường đang biến ý tưởng thành hiện thực, hợp tác thu được tiến triển to lớn, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại và đầu tư, năng lượng và tài nguyên, an ninh tài chính tiền tệ, hợp tác song phương và khu vực đã thu được tiến triển rõ rệt.
Một là, thông qua các cơ chế Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc-ASEAN “10+1”, Nhóm nước BRICS cũng như làm vững chắc quan hệ song phương với Nga, các nước Trung Âu, Trung Á, Trung Đông, Nam Á… Trung Quốc và các nước dọc con đường tơ lụa đã bước đầu thiết lập cơ chế hợp tác song phương, khu vực và đa phương một cách cố định và không cố định.
Hai là, dựa vào ý tưởng Một vành đai - một con đường, các nước dọc con đường tơ lụa đang quy hoạch xây dựng mạng lưới giao thông tổng hợp bao gồm đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Ba là, cơ chế hỗ trợ tài chính để giúp các nước xây dựng cơ sở hạ tầng được xúc tiến thông qua Ngân hàng Đầu tư kết nối châu Á, Quỹ Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ngân hàng Phát triển của SCO.
Bốn là, Trung tâm Phân phối và lưu thông hàng hóa khu vực dọc con đường tơ lụa đang trong quá trình xây dựng, các khu công nghiệp thương mại tự do mọc lên san sát, cuối cùng sẽ hình thành hiệu ứng quy mô sản xuất, lưu thông và thị trường dọc hành lang kinh tế. Từ đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, tiến bộ xã hội, an ninh khu vực.
Trong tất cả tiến trình này, Trung Quốc đóng vai trò tiên phong - từ khởi xướng tới thuyết phục các nước và mạnh tay chi cho các dự án. Không quá khó để nhìn thấy mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh trong chính sách phát triển kinh tế liên khu vực. Song hành cùng lợi ích kinh tế không cần bàn cãi, Một vành đai - một con đường còn có giá trị lớn trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc, thông qua thúc đẩy sức mạnh địa kinh tế để đạt được các mục tiêu địa chính trị lớn hơn.
Trọng điểm của Vành đai kinh tế trên con đường tơ lụa (hiểu đơn giản là con đường tơ lụa trên bộ) nhằm phát triển quan hệ với các nước Trung Á và Tây Á, còn Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI chủ yếu là để phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á và Nam Á. Phát triển tốt chiến lược này sẽ giúp Bắc Kinh xử lý quan hệ với các nước Trung Á và Tây Á, về mặt Quốc phòng có lợi cho việc tấn công các thế lực chủ trương đòi độc lập cho Tân Cương và củng cố an ninh khu vực miền Tây Trung Quốc. Trong khi đó, nước này cũng xử lý được quan hệ với các nước Đông Nam Á và Nam Á, làm lắng dịu vấn đề Biển Đông và bảo vệ sự bình yên của biên giới phía Tây Nam Trung Quốc.
Đây cũng là lý do tại sao chiến lược Một vành đai - một con đường trở thành trọng tâm lớn trong chính sách ngoại giao kinh tế mới của thế hệ lãnh đạo thứ 5 tại Trung Quốc.