Một thời và mãi mãi…
Tôi đã có dịp trình bày sự gắn bó của mình, những nhận xét và những mong ước đối với QH trên nhiều trang báo Người đại biểu nhân dân, rồi Đại biểu nhân dân cũng như trong các ấn phẩm của QH đánh dấu 70 năm hình thành và phát triển, và của bản thân tôi, “Về kỹ năng của người đại biểu dân cử” xuất bản trong dịp này. Chia sẻ với bạn đọc Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp Xuân về, tôi xin viết tiếp những hoạt động nghị trường một thời nhưng là những kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên.
Sau Khóa IX là đại biểu kiêm nhiệm, từ đầu nhiệm kỳ Khóa X, năm 1997, tôi được phân công về QH hoạt động chuyên trách, đảm nhiệm công tác Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại. Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh khi ấy đã hỏi, tại sao làm đối ngoại mà tôi lại dành nhiều thì giờ đi về địa phương?
![]() |
Thật vậy, trong hai Khóa X và XI, tôi đã đi khảo sát hầu như tất cả các cửa khẩu quốc tế, từ Móng Cái, qua Tây Trang, Nậm Cắn, Lao Bảo, Bờ Y, Xa Mát, đến Hà Tiên. Tôi đã đến những địa phương có những dự án ODA, FDI tại cả ba miền. Chính qua các chuyến đi thực tế này mà tôi đã luyện cho mình kỹ năng “biết nghe (các báo cáo), biết nhìn (thực tế) và biết hỏi (để làm rõ những được và chưa được)” và tích lũy vốn sống; đã nhìn lại, từ góc độ của QH, 10 năm FDI sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, 10 năm thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; đã biên soạn các báo cáo “Giao lưu kinh tế với bên ngoài qua biên giới, hiện trạng và kiến nghị”, và “Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ”…
Tôi có ấn tượng tốt về những bước tiến trong hoạt động tranh luận và chất vấn của QH, đặc biệt ở Khóa XIV. Cuối Khóa XI, những ĐBQH phát biểu tích cực tại nghị trường còn ít và vì vậy mới có câu “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Số nội dung cũng như số đại biểu tham gia tranh luận và chất vấn không nhiều như bây giờ. Có lẽ nhờ vậy mà tranh luận, chất vấn đi sâu hơn. Riêng tôi, mỗi cuộc tranh luận, chất vấn là một quá trình lao động (tìm số liệu, dẫn chứng từ thực tế; tự phản biện mình trước, và chuẩn bị các tình huống tranh luận tiếp). Tôi được động viên nhiều khi đọc tường thuật của báo chí về các cuộc tranh luận, như về cuộc tranh luận ngày 16.5.2003 với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chẳng hạn. “Phiên chất vấn cuối cùng của QH tại Hội trường đã kết thúc (…) và những diễn biến cuối cùng xảy ra đã khiến tất cả báo giới và công chúng đều nhất trí với Chủ tịch QH Nguyễn Văn An rằng, đây là đoạn “đáng gọi là chất vấn’’ nhất trong ba ngày qua và trong cả nhiều lần chất vấn đã qua tại QH.” (Vietnamnet, 17.5.2003). Tôi mong và tin rằng Khóa XIV sẽ làm hơn thế.
Khi thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng tôi suy nghĩ nhiều về nguồn gốc của tham nhũng, về cơ quan phụ trách đặt ở đâu, ai là người đứng đầu, có chân rết ở địa phương hay không, và nhất là nhiệm vụ cơ bản và cụ thể là gì. Các nội dung này liên quan mật thiết với nhau.
Tôi đã trình bày quan điểm của mình về các vấn đề này tại các phiên thảo luận tại hội trường chiều 13.6.2005, chiều 31.10.2006 và tại cuộc họp các ĐBQH chuyên trách ngày 3.8.2005. Theo tài liệu gỡ băng ghi âm, tôi đã phát biểu rằng hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (chứ không phải chỉ có Luật này), phải tạo ra một môi trường “ba không”: Không muốn, không thể, và không dám tham nhũng. Muốn vậy, cần tiến hành 4 cuộc cải cách: Hành chính nhà nước, tư pháp pháp lý, tài chính ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Nội dung cụ thể của các cuộc cải cách tôi đã thể hiện trên một sơ đồ mà nhiều báo đã đăng. Những cải cách này liên quan đến thể chế. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng không thể đặt bên hành pháp (để tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi), chỉ nên thành lập ở cấp Trung ương, và người đứng đầu nên là Chủ tịch Nước trong thiết chế nhà nước hiện hữu, hoặc Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước.
Cuối năm 2007, ngay sau khi nhận được quyết định nghỉ hưu, tôi trở về với công tác khoa học. Địa bàn là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi tôi đã 8 năm (1983 - 1990) gắn bó qua công tác điều tra cơ bản tổng hợp, nơi đóng góp nhiều cho nền kinh tế cả nước, nhưng cơ sở hạ tầng còn rất bất cập và là vùng trũng về giáo dục, nơi rất dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu và bởi việc sử dụng nguồn nước sông Mekong ở thượng nguồn. Tôi trở về không chỉ với tâm thế của người làm khoa học mà còn của một người đã một thời, 15 năm là ĐBQH.