Tản mạn

“Một thiên nằm mộng”

- Thứ Năm, 04/04/2019, 08:18 - Chia sẻ
Thì tình yêu vô tận mà, nhưng tình yêu lại nhiều mộng mị, và trong cõi tình ấy, Trịnh “dệt gấm thêu hoa cho những giấc mộng của mình”...

1. Giấc mộng của Trịnh:

Năm 1961, nhiếp ảnh gia John Dominis tới Huế, chụp cơ man là ảnh. Trong đó có những tấm ảnh về người con gái Huế đội nón lá, mặc áo dài trắng, đạp xe trên phố thị.

Không biết người con gái trong giấc mơ của Trịnh Công Sơn có giống thế không? Bởi cũng năm 1961, cũng ở Huế, một trưa hè, Trịnh nằm mơ có người con gái áo trắng, ông muốn đuổi theo mà không được, rồi thấy đâu đây mùi dạ lý hương phảng phất. Ông bừng tỉnh dậy, người không thấy đâu, nhưng trên bàn ai đã cắm dạ lý hương thơm ngát. Lúc đó cũng phải nói thêm rằng ông ốm sốt mê man, mà ốm sốt khiến người ta dễ rơi vào huyễn hoặc.

Rồi thì hết bệnh, ông đi thăm cha một người bạn đang hấp hối. Ông cụ vốn chẳng có bệnh gì, chỉ là thương nhớ người vợ đã khuất bóng mà tự mình cũng lụi dần đi.

Cái mộng của mình, cái tình của người chập vào, Trịnh Công Sơn mới viết ra “Hạ Trắng” hư hư thực thực:

“Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm saỵ
Lối em đi về, trời không có mâỵ
Ðường đi suốt mùa nắng lên thắp đầỵ
Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng baỵ
Cho tay em dài gầy thêm nắng maị
Bước chân em về nào anh có haỵ
Gọi em cho nắng chết trên sông dài...”

Mà hình như bài hát nào của Trịnh cũng hư hư thực thực, lúc nào cũng bồng bềnh ở một cái cõi không tên nào đó, cũng có thể nó từng tên là Diễm, Diễm của những ngày xưa, rồi cũng có khi đổi tên thành một người con gái nào đó mà Trịnh tiếp tục yêu, và người con gái nào dường như cũng yêu rất sâu sắc, thì tình yêu vô tận mà, nhưng tình yêu lại nhiều mộng mị, và trong cõi tình ấy, Trịnh “dệt gấm thêu hoa cho những giấc mộng của mình”. 

2. Giấc mộng chàng Trương:

Đạo diễn Trần Khải Ca kể rằng có lần ông mơ diễn viên Trương Quốc Vinh mặc chiếc áo của Điệp Y đến tạ từ ông. Tỉnh dậy, ông bật khóc. Kể từ ngày đó, ông luôn đinh ninh Điệp Y và Quốc Vinh là một.

Câu chuyện của Khải Ca làm tôi nhớ truyện Trang Chu nằm mơ hóa bướm, tỉnh giấc không biết mình hóa thành bướm hay bướm hóa thành Trang Chu. Tôi cũng không biết là Điệp Y hóa thành Quốc Vinh hay Quốc Vinh hóa thành Điệp Y nữa. Nhưng dù ai hóa thành ai thì tôi nghĩ người đó cũng đã được sống trọn với giấc mơ đời mình. Điệp Y có thể chết trên sân khấu. Quốc Vinh cũng đã có một cuộc đời oanh liệt.

Hồi mới biết Vinh, tôi cứ cho Vinh có một lá số rất mực bi thương. Kỳ thực đến bây giờ, nghĩ đến Vinh, hiếm khi tôi còn thấy buồn nữa. Nghĩ đến Vinh bây giờ, tôi nhớ hơn hình ảnh của anh trong “Tung Hoành Tứ Hải”, khiêu vũ cùng Chung Sở Hồng, hay đi dạo giữa Paris lộng gió, nháy mắt với họa sĩ vỉa hè đã khắc họa chân dung anh, lúc đó anh không những đẹp, anh còn hạnh phúc.

Và cái đoạn múa hát tưng bừng trong “Đông Thành Tây Tựu” chính là Vinh và Lương Gia Huy đã tung hứng ngẫu nhiên với nhau. Chẳng nhẽ cả lúc đó anh cũng không hạnh phúc sao?

Rồi tôi nghĩ Trình Điệp Y, Húc Tử, Hà Bảo Vinh, Âu Dương Phong, Trần Chấn Bang, họ đều đã nằm mộng trong cõi thiên đường của chính mình đấy thôi! Cõi thiên đường của Húc Tử là cõi cô đơn. Cõi thiên đường của Điệp Y là sân khấu Kinh Kịch mà thời đại đã đem lòng phụ bạc. Cõi thiên đường của Bảo Vinh là căn phòng nơi người tình bỏ lại trong một xó Argentina khi đồng hồ đếm ngược chào năm mới. Cõi thiên đường của Âu Dương Phong là núi Bạch Đà, với người tình nương mà dù cạn hết vò rượu lãng quên quá khứ thì niềm mến tiếc của hắn với nàng cũng không vơi cạn. Còn cõi thiên đường của Trần Chấn Bang là Ỷ Hồng Lầu và hương son phấn của nàng kỹ nữ Như Hoa. Để rồi 53 năm sau, người tình dù đã chết, đường tình dù đã cùng, thiếu gia Trần Chấn Bang ngày nào giờ này đã thành ông già tóc bạc trong cái góc lem nhem vẫn mơ giấc “lầu hồng”, vẫn nhớ một thuở gác tía lầu son có người con gái mình từng lỗi hẹn:

“Dưới phường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”

Dù cõi thiên đường không toàn vẹn, nhưng thôi, được sống trong mộng, còn gì hạnh phúc bằng?

Hiền Trang