Một thập kỷ nhìn lại: Thế giới nóng phẳng chật ?
Hẳn đó không phải là một cái tít xa lạ với độc giả yêu thích Thế giới phẳng hay Chiếc Lexus và cây oliu. Nhưng bài viết này không định bàn về tác phẩm nổi tiếng thứ 3 của Thomas Friedman. Tác giả chỉ muốn mượn cách nói thú vị đó để soi chiếu thế giới trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
![]() |
Hãy bắt đầu với cái nóng
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được làm nóng bằng vụ khủng bố gây chấn động thế giới. Những kẻ khủng bố đã làm sụp đổ Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York và phá hủy một góc của Lầu Năm Góc - hai biểu tượng kinh tế và quân sự của siêu cường mạnh nhất. Frank Furedi, Giáo sư khoa Xã hội học của trường Đại học Kent từng nhận định: Vụ khủng bố 11.9 đã làm được một việc duy nhất, đó là bình thường hóa suy nghĩ cho rằng bạn hành động vì bạn lo ngại đó có thể là nguy cơ chứ không phải bạn hành động vì bạn tin rằng đó là nguy cơ. Học thuyết “đánh đòn phủ đầu” của Chính quyền Bush đã ra đời như thế. Kết quả, thế giới có 2 chảo lửa, một ở Nam Á, một ở Trung Đông.
Hành tinh của chúng ta 10 năm qua còn nóng lên với đúng nghĩa của từ này. Hãy bắt đầu bằng hai sự kiện trong năm 2010 được các báo đưa trong mục “chuyện lạ đó đây”: Nepal họp Nội các trên đỉnh Everest và Maldives họp Nội các dưới đáy biển. Nhưng không phải chuyện đùa. Đó là lời kêu cứu của một đất nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi tình trạng tuyết chảy trên đỉnh Himalaya và một quốc đảo có nguy cơ bị biến mất bởi tình trạng băng tan ở Bắc Cực. Nỗi lo ngại của Maldives và các quốc gia ven biển là hoàn toàn có thực. Trong một báo cáo của mình, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ từng cảnh báo: “Nếu bạn đặt chân tới Bắc cực vào ngày đầu tiên của tháng 9 năm 2030, bạn có thể sẽ không nhìn thấy băng ở đây nữa”.
Trái đất đang nóng lên! Rất nhiều cơn đại hồng thủy đang xảy ra nhưng chúng ta vẫn thường giả bộ như việc đó xảy ra “ở đâu đó”. Và khi bàn về việc giải quyết vấn đề môi trường, chúng ta vẫn thường nói “để lại sau”. Friedman cảnh báo, để lại sau là quá muộn. Thế nhưng, với kết quả của các hội nghị biến đổi khí hậu trong 10 năm qua, mới nhất là tại thành phố biển Cancun đầu tháng 12.2010, có thể Friedman sẽ phải chữa lại lời cảnh báo thành “đã muộn” khi ông viết tác phẩm tiếp theo của mình.
Thế giới phẳng hay không phẳng?
Toàn cầu hóa đã giúp những quốc gia kém phát triển tìm thấy lợi thế cạnh tranh của mình. Chiếc xe tăng toàn cầu hóa, trên bánh xe “công nghệ”, đang ủi phẳng thế giới. Luận điểm này, soi chiếu vào 10 năm đầu của thế kỷ XXI, được minh chứng hùng hồn. Đó là một nước Mỹ với tỷ trọng kinh tế trong tổng thể nền kinh tế thế giới đã giảm từ 32,6% xuống 24,61%. Đó là một Nhật Bản đã phải nhường ngôi vị Á quân cho Trung Quốc. Đó là một Trung Quốc, đã tăng tỷ trọng từ 3,7% lên 8,47%. Đó là một G20 đã thay thế nhóm G8 như một nền tảng chính cho hoạt động điều hành kinh tế quốc tế. Đó là một Quỹ Tiền tệ quốc tế, từng được coi là công cụ của các cường quốc sau CTTG 2, đã phải chấp nhận tăng quyền biểu quyết của Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ từ 6,35% lên 6,91% trong những ngày cuối của thập kỷ đầu tiên.
Thế giới đang phẳng ra ở trật tự của nó. Mô hình chóp hậu chiến tranh Lạnh với nhất siêu, đa cường đang dần nhường chỗ cho một thế giới đa trung tâm mà ở đó, các quốc gia mới nổi đang mạnh dần lên, trong khi phương Tây đang suy yếu tương đối.
Thế giới chật tới mức nào?
Năm 1972, nhà khoa học Edward Norton Lorenz đã từng đưa ra câu trả lời khẳng định cho câu hỏi “một con bướm đập cánh ở Brazil liệu có thể gây ra một trận bão ở Texas?”. Nếu học thuyết cánh bướm của Lorenz chỉ để giải thích sự phụ thuộc trong thế giới tự nhiên, thì toàn cầu hóa đã biến xã hội loài người thành một cái làng, được miêu tả thông qua hình ảnh “một công ty Ấn Độ do một người Uruguay gốc Hungary điều hành, phục vụ ngân hàng của Mỹ với các kỹ sư người Montevide do các chuyên viên kỹ thuật người Ấn Độ đã học được cách ăn rau của người Uruguay, quản lý”. Sự chật hẹp đó càng được nhận thức rõ ràng vào năm 2009 khi mà đổ vỡ của thị trường cho vay dưới chuẩn ở Mỹ, vốn chỉ chiếm 10%, đã suýt phá hủy cả cơ thể kinh tế thế giới khổng lồ. Làm thế nào mà một mắt xích mảnh mai như vậy lại có thể gây ra một cơn sốc quy mô như cuộc khủng hoảng năm 1929? Sự không cân xứng giữa nguyên nhân và hậu quả đã đưa đến nhận thức: phụ thuộc lẫn nhau là một yếu tố gây khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng ở một nơi lan truyền tới nơi khác bởi đã không còn sự đa đạng của dư luận. Thế giới trở nên chật hẹp bởi tất cả mọi người, ở đây là 6 tỷ dân, tiếp nhận những luồng thông tin giống nhau, có cách phản ứng giống nhau.
Tính eo hẹp của hành tinh tiếp tục được minh chứng trong năm 2010. Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của WikiLeaks hay người sáng lập Facebook lại cùng cạnh tranh ngôi vị “nhân vật của năm 2010” do tạp chí TIME bình chọn. Một người khiến công chúng biết đến nửa triệu tài liệu mật của Mỹ chỉ sau 1 đêm và một người, như TIME đánh giá “vừa là sản phẩm của thế hệ mình, vừa là kiến trúc sư của nó” khi làm thay đổi cách sống của 1/10 dân số thế giới. Quả bom thông tin của WikiLeaks từng khiến nhiều học giả phải nghi ngờ thế giới đã chật đến mức không còn những đường biên giới quốc gia, trong khi khả năng kết nối kỳ diệu của facebook lại khiến người ta nhận thức được sự chật hẹp của thế giới đã làm mất đi tính riêng tư của mỗi cá nhân.
Có thực là thế giới đang ngày một nóng lên, phẳng ra và chật lại? Câu trả lời có thể là khẳng định nếu tuyệt đối hóa những khái niệm “nóng”, “phẳng”, “chật” trong những trường hợp điển hình. Nhưng thực tế, mọi thứ chưa bao giờ là tuyệt đối. Nếu không, tại sao tiến trình đàm phán tự do hóa thương mại toàn cầu (Doha) đã gần như phải ký giấy khai tử vào tháng 7.2008? Và nếu tồn tại cái chết của khoảng cách và những đường biên giới quốc gia thì tại sao luật “người Mỹ mua hàng Mỹ” lại được ký ban hành năm 2009 hay cuộc chiến tỷ giá lại trở thành chủ đề nóng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối năm 2010? Rõ ràng song song với xu hướng toàn cầu hóa, một xu hướng khác - khu vực hóa và bảo hộ - đã tồn tại như một đối trọng. Bởi thế, “sẽ chỉ có một nửa thế giới trở nên (nóng) phẳng (chật) và tình trạng đó sẽ không thay đổi” (Bill Gates).