Một số vấn đề lý luận về đại biểu Quốc hội chuyên trách

30/01/2007 00:00

Nói đến thuật ngữ “đại biểu Quốc hội chuyên trách”, hiện nay, còn có những quan niệm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội chuyên trách là những người chuyên làm việc cho Quốc hội. Ý kiến khác lại cho rằng, đại biểu Quốc hội chuyên trách là những người hoạt động chuyên nghiệp trong Quốc hội.

      Thực ra, cả hai loại ý kiến trên đây đều chưa đề cập một cách toàn diện đến vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong điều kiện Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên và còn lẫn lộn giữa hai khái niệm “chuyên trách” với “chuyên nghiệp”.
      Xét về ngôn ngữ, cả hai thuật ngữ này đều là tính từ, dùng để chỉ tính chất của loại công việc mà một cá nhân hay tập thể đảm nhiệm. Trong tiếng Anh, thuật ngữ chuyên trách được viết là responsible, có nghĩa là đảm nhiệm, chịu trách nhiệm về một nghĩa vụ nhất định. Còn thuật ngữ chuyên nghiệp được viết là professional, có nghĩa là mang tính nghề nghiệp, tính nhà nghề, phản ánh kỹ năng nghề nghiệp; hoặc vocational có nghĩa là khả năng cần có cho một nghề, có tính hướng nghiệp. Trong tiếng Việt, thuật ngữ chuyên trách có nghĩa là chuyên chỉ làm một loại công việc và chỉ chịu trách nhiệm về công việc nào đó. Thuật ngữ chuyên nghiệp có nghĩa là nghề nghiệp chuyên môn, chuyên làm một nghề, một việc nào đó.
      Hiện nay, trong quan niệm, có nhiều người vẫn cho rằng, hầu hết Quốc hội các nước đều làm việc thường xuyên và vì vậy, các đại biểu Quốc hội của họ đều là những nghị sỹ chuyên nghiệp. Thực ra không phải vậy, trên thế giới hiện nay, vẫn có những Quốc hội hoạt động không thường xuyên (như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba…). Ngay cả đối với các Quốc hội được coi là hoạt động thường xuyên, vẫn có những kỳ nghỉ và các nghị sỹ được coi là chuyên nghiệp cũng chỉ chiếm một phần nhất định trong cơ cấu của Quốc hội (Quốc hội của hầu hết các nước theo hệ thống Bắc Âu và nhiều nước phương Tây khác). Khái niệm “nghị sỹ chuyên nghiệp” ở Quốc hội các nước này được hiểu là những người có “nghề” hoạt động nghị trường. Nói cách khác, họ là những người có thâm niên làm nghị sỹ, có kỹ năng mang tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghị trường. Đó là các nghị sỹ trong Thượng viện và các nghị sỹ do các đảng phái chính trị cử ra tại Hạ viện của hầu hết các nước. 
      Ở nhiều nước, nghị sỹ thuộc Thượng viện được bổ nhiệm theo chế độ danh vị, theo phương thức thế tập, cha truyền con nối hoặc sau khi mãn nhiệm ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, được chỉ định hoặc thông qua bầu cử để trở thành Thượng nghị sỹ. Chế độ Thượng viện được coi là cơ chế cân bằng, đối trọng của các lực lượng chính trị, thể hiện sự tham chính ngay từ quá trình lập pháp. Ở cả Thượng viện và Hạ viện, một bộ phận nghị sỹ được các đảng phái chính trị cử ra tham chính thông qua con đường bầu cử, để đại diện cho lợi ích của đảng mình. Số nghị sỹ này thường được bố trí hoạt động trong suốt thời gian nhiệm kỳ của Quốc hội và có thể sẽ tiếp tục được giới thiệu ra tranh cử nhiều khoá Quốc hội tiếp theo, nên được gọi là chuyên nghiệp.
      Tuy nhiên, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, nghị sỹ ở các nước đều bình đẳng về vị trí, tính chất, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế, phương thức hoạt động. Điều cốt tử cho sự tồn tại và phát triển của các đảng chính trị khi tham gia chính trường phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động và uy tín cá nhân các nghị sỹ đối với dân chúng. Bởi vậy, bản thân các đảng chính trị và các nghị sỹ của họ luôn tìm những cách thức hoạt động tối ưu nhất để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
      Ở nước ta, khái niệm “đại biểu Quốc hội chuyên trách”, hiện nay, chưa có từ điển nào đề cập đến. Ngay cả Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế Hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội cũng chưa có định nghĩa hoàn chỉnh. Chính vì vậy, khi nghiên cứu đến khái niệm này, cần xem xét đến các khía cạnh có liên quan đến tính chất hoạt động của một bộ phận đại biểu Quốc hội được phân công thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ở Quốc hội nước ta; vị trí, tính chất, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế, phương thức hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
      Về tính chất hoạt động của một bộ phận đại biểu trong Quốc hội, được phân công thực hiện các công việc một cách thường xuyên với toàn bộ thời gian trong ít nhất là một nhiệm kỳ Quốc hội. Đây là vấn đề nảy  sinh từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta trong những năm gần đây, hay nói chính xác hơn, là từ chính nhu cầu tăng cường hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 
      Trước đây, hoạt động của Quốc hội chỉ mang tính thuần tuý và chủ yếu là diễn ra tại kỳ họp theo chế độ làm việc hội nghị; hầu như Quốc hội chỉ xem xét và biểu quyết thông qua các quyết định đã được soạn sẵn. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, dường như chỉ có bộ máy giúp việc cho Quốc hội là làm việc chuyên trách, còn hầu hết các đại biểu Quốc hội đều kiêm nhiệm. Sau khi có công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Quốc hội mới nhận thấy cần đổi mới phương thức hoạt động của mình. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Để tăng cường năng lực hoạt động của Quốc hội, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải có những người chuyên trách làm công tác của Quốc hội. Bởi vậy, ngay từ cuối Quốc hội khoá VIII, đầu Quốc hội khoá IX, một bộ phận đại biểu Quốc hội (mà chủ yếu là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Nhà nước) đã được bố trí toàn bộ thời gian dành cho các công việc của Quốc hội. Sự kiện đó đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong quan niệm về đại biểu Quốc hội chuyên trách sau này. Kể từ từ đây, “đại biểu Quốc hội chuyên trách” đã trở thành nội dung trong một số văn bản về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đến Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, số lượng đại biểu Quốc hội đã được ghi nhận với một tỷ lệ ít nhất là 25% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã làm nhiệm vụ chuyên trách từ 2 đến 3 khoá Quốc hội, tích luỹ được kinh nghiệm phong phú trong hoạt động nghị trường, có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới và hoàn thiện về phương thức hoạt động của Quốc hội nước ta nói chung, chế định đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng.
      Quá trình hình thành và xác lập chế định “đại biểu Quốc hội chuyên trách” là sự sáng tạo trong cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội nước ta so với Quốc hội nhiều nước trên thế giới. Nó cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt về cơ chế hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta trong khi chưa đủ điều kiện tổ chức một Quốc hội có chế độ làm việc thường xuyên. 
      Về vị trí, tính chất của đại biểu Quốc hội chuyên trách: Hiện nay, trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội chưa có điều khoản nào riêng biệt quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng: Về vị trí, đại biểu Quốc hội chuyên trách trước hết cũng là đại biểu Quốc hội, có vị trí là thành viên của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về tính chất, đại biểu Quốc hội chuyên trách trước hết có tính chất như các đại biểu Quốc hội khác là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình, mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Khi được phân công làm nhiệm vụ chuyên trách, thì tuỳ thuộc vào cương vị công tác, mà đại biểu Quốc hội chuyên trách có thêm những vị trí, tính chất khác nhau.
      Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế, phương thức hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách:
      Theo các quy định hiện hành, các đại biểu Quốc hội chuyên trách là những người hoạt động thường xuyên ở các cơ quan của Quốc hội và ở các đoàn đại biểu Quốc hội.
      Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, ở các Đoàn đại biểu Quốc hội, ngoài việc thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói chung, còn có một số nhiệm vụ quyền hạn sau đây: 
      Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời tham gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Quốc hội, nơi mình là thành viên theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, uỷ ban của Quốc hội.
      Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác, như: được  Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội uỷ nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại Điều 26 của Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc hoặc uỷ ban của Quốc hội; được mời dự các Hội nghị, các lớp học, tập huấn theo chức danh lãnh đạo địa phương; được mời dự các cuộc họp thường kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; được mời dự các cuộc tiếp dân định kỳ của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
      Từ những vấn đề trên cho thấy rằng: Ở nước ta, chế định đại biểu Quốc hội chuyên trách là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện một đảng cầm quyền và chưa có điều kiện tổ chức một Quốc hội hoạt động thường xuyên. Chính vì vậy, việc hình thành chế định đại biểu Quốc hội chuyên trách với một tỷ lệ nhất định trong Quốc hội là sự phân công lao động quyền lực hợp lý, một phương thức đặc thù, thích hợp với đặc điểm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta trong điều kiện hiện nay.

TS. Lê Thanh Vân
Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu – VPQH

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một số vấn đề lý luận về đại biểu Quốc hội chuyên trách
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO