Đứng trên bục giảng được bao quanh bởi ba màn hình khổng lồ, Giáo sư Alain Goudey đưa ra các bài học về chuyển đổi kỹ thuật số cho hàng trăm sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này đều nằm trong không gian ảo, công nghệ metaverse mang đến một cái nhìn đầy tiềm năng cho nền giáo dục tương lai.
Giáo sư Alain hiện đang công tác tại Trường Kinh doanh Neoma ở Pháp, đây là một trong nhiều tổ chức giáo dục tại châu Âu có tư duy tiến bộ đang bước vào thử nghiệm metaverse - một thế giới kỹ thuật số nơi sinh viên được đại diện bởi các nhân vật 3D. Trong không gian thực tế ảo này, khả năng tương tác, dạy học giữa sinh viên và giảng viên được thúc đẩy hơn bao giờ hết.
Giáo sư marketing Goudey, phó trưởng khoa kỹ thuật số tại Trường Neoma cho biết: “Đi đầu trong các xu thế giáo dục, tầm nhìn tương lai về metaverse là điều rất quan trọng đối với các trường học. Nó sẽ định hình lại tương lai của thế giới”.
Tại Neoma, sinh viên trải nghiệm metaverse dưới dạng nhân vật đại diện 3D trong khuôn viên ảo. Trường cũng đã phát triển một số nghiên cứu tình huống thực tế ảo để đưa sinh viên vào những tình huống thực tiễn, cho phép họ áp dụng lý thuyết vào thực tế. Giáo sư Goudey nói: “Việc nhập vai giúp tối ưu sức mạnh của metaverse thông qua sự mô phỏng. Thật ngạc nhiên khi thấy công nghệ này ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực sư phạm như thế nào”.
Tiềm năng của metaverse đã được công chúng quan tâm trong nhiều năm qua bởi các công ty công nghệ như Meta (trước đây là Facebook), đang chạy đua để tạo ra thế giới ảo với nhiều sự sáng tạo và chân thật hơn. Giờ đây, một số gã khổng lồ công nghệ cũng đang làm việc với các trường kinh doanh để nâng cao trải nghiệm giáo dục với các công nghệ nhập vai.
Trường Quản lý sau đại học Polimi ở thành phố Milan (Italy), dự định tổ chức các cuộc hội thảo với Microsoft, trong đó những người tham gia chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế sẽ tìm hiểu về các cơ hội kinh doanh tiềm năng trong metaverse.
Ngoài ra, Polimi đang lên kế hoạch cho những người tham gia dùng thử tai nghe VR và trải nghiệm các tình huống khác nhau, được hỗ trợ bởi Fadpro, một công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục. Quá trình này sẽ bao gồm các chuyến đi thực tế ảo đến các công ty, cho phép sinh viên có được trải nghiệm kinh doanh trực tiếp mà không cần phải di chuyển đến địa điểm cần khảo sát ngoài đời thực.
Đầu tư vào công nghệ cao để tương tác giữa dạy và học đã được thúc đẩy nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Barbara Stöttinger, hiệu trưởng Học viện Điều hành WU ở Vienna cho biết: “Trong lĩnh vực giáo dục của chúng tôi, đã có sự do dự nhất định trong việc áp dụng công nghệ mới vì lo sợ chất lượng giảng dạy sẽ không đủ tốt. Những hậu quả của đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới nhận thấy khả năng và tốc độ mà chúng ta có thể đổi mới”.
Năm nay, WU đã hợp tác với Tomorrow's Education, một công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục, ra mắt chương trình Thạc sĩ về tính bền vững, tinh thần kinh doanh và công nghệ. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn trong khuôn viên thực tế ảo của trường, có thể truy cập thông qua một ứng dụng trực tuyến.
Các tổ chức và cơ sở giáo dục kinh doanh coi metaverse là một cách để sinh viên cải thiện việc học tập và tương tác trực tiếp với các bài học, đồng thời cũng là một nền tảng để tạo cơ hội kinh doanh.
Nhiều trường học khác cho rằng những lo ngại về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu là rào cản đối với việc đưa giáo dục gắn liền với metaverse. Theo nhiều chuyên gia, metaverse không nhằm mục đích thay thế phương pháp giảng dạy truyền thống mà nhằm mục đích nâng cao. Hiện nhiều trường học tại các quốc gia khác nhau, đặc biệt ở khu vực châu Âu đang dần thử nghiệm và tiếp cận tới xu thế giáo dục thực tế ảo mới này.
(Nguồn: //www.ft.com/content)