Một số nhà văn tự đánh mất tác quyền

- Thứ Sáu, 20/12/2013, 08:36 - Chia sẻ
Khác với các loại hình sáng tạo khác, vi phạm bản quyền trong văn học diễn ra âm thầm. Phát hiện vi phạm đã khó nhưng đáng nói hơn là một số nhà văn do nhận thức chưa đầy đủ về quyền tác giả đã tự đánh mất quyền sở hữu đối với đứa con tinh thần của mình.

Nguồn: phunuonline.com.vn
Ở Việt Nam, việc bảo hộ quyền tác giả đã được đề cập từ rất sớm, nhưng phải đến năm 2002 tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả đầu tiên là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới ra đời. Đến nay cả nước đã có 4 tổ chức đại diện tác quyền, hoạt động khá hiệu quả. Riêng trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả văn học, đến năm 2004, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập. Qua gần 10 năm hoạt động, hiện Trung tâm có bộ máy nhân sự gồm 8 người, chủ yếu giữ chức vụ kiêm nhiệm. Tính đến cuối tháng 11.2013 đã có trên 930 hội viên ký ủy thác quyền với VLCC. Từ tháng 6.2012 đến hết tháng 5.2013, VLCC đã giải quyết được 8 vụ vi phạm tác quyền và đăng ký bản quyền cho gần 100 cuốn sách, bản thảo phim đã hoặc sắp xuất bản của các nhà văn. Tuy nhiên, hoạt động của VLCC còn gặp nhiều khó khăn do khâu quản lý yếu, tổ chức bộ máy, con người chưa đáp ứng được yêu cầu...

Tại hội thảo Bảo hộ quyền tác giả văn học do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam tổ chức ngày 18.12, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân cho rằng, VLCC đã qua gần 10 năm hoạt động nhưng với đa phần các nhà văn, lĩnh vực này còn khá mới mẻ. Trình độ nhận thức, hiểu biết về hoạt động quản lý tập thể quyền tác giả của xã hội, của bản thân các tác giả hạn chế, khiến cho việc bảo hộ quyền tác giả gặp nhiều khó khăn. Không ít tác giả đã ký hợp đồng với VLCC nhưng khi có nhà xuất bản (NXB) trực tiếp đặt vấn đề sử dụng tác phẩm thì lại trao ngay đứa con tinh thần cho họ mà không thông qua VLCC; khi có sự cố tranh chấp thì lại chạy đến VLCC nhờ cậy.

 Theo Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam Bùi Nguyên Hùng, để thực hiện tốt hơn việc bảo hộ quyền tác giả, tới đây Bộ VH, TT và DL sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục thành lập một số tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, đại diện cho các nhóm quyền tập thể. Các tổ chức này sẽ hoạt động trên tinh thần tự nguyện và chủ động kinh phí hoạt động, góp phần thực hiện tốt hơn việc bảo hộ quyền tác giả.

Đánh giá cao việc tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo hộ quyền tác giả cho chính các nhà văn của VLCC, tuy nhiên nhà văn Nguyễn Uyển cho rằng, muốn các nhà văn gửi gắm quyền sở hữu thì VLCC phải tạo được niềm tin cho họ. Đồng quan điểm ấy, nhà văn Hoàng Quốc Hải phân tích, với số lượng người ký ủy thác quyền lên đến gần 1.000 người đòi hỏi tổ chức đại diện cho 1.000 nhà văn ấy phải thực sự chuyên nghiệp. Nhìn vào hoạt động của VLCC tôi thấy chưa đủ tin tưởng để trao quyền sở hữu tác phẩm. Một tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả cần có những người hiểu biết chuyên sâu về luật pháp, về phân phối, phát hành tác phẩm... Đã đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam nên đặt vấn đề bảo hộ tác quyền một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp thì chúng tôi mới yên tâm trao quyền vào tay tổ chức đại diện quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cảnh báo hiện tượng không ít nhà văn do thiếu hiểu biết về quyền tác giả đã tùy tiện trao tác phẩm cho các NXB để họ muốn in bao nhiêu thì in, với tâm lý họ in cho là tốt. Bà Đoàn Thị Lam Luyến đề nghị, VLCC cần đứng ra lập hợp đồng mẫu trong các trường hợp ký kết in các tác phẩm hư cấu để các nhà văn khi ủy quyền in, phát hành chỉ trong một thời hạn nhất định. Về vấn đề ký kết hợp đồng in tác phẩm, Giám đốc Công ty PNPay Lê Tánh cũng nhấn mạnh, nếu khâu ký kết này không rõ ràng thì việc ủy quyền của các tác giả với NXB sẽ khiến quyền khai thác tác phẩm kỹ thuật số cũng mất luôn. Bởi khi đó các NXB cũng sở hữu quyền khai thác tác phẩm kỹ thuật số, trong khi họ có thể không có khả năng số hóa và khai thác chúng.

Để thực hiện tốt hơn việc bảo hộ quyền tác giả văn học, Phó giám đốc thường trực VLCC Đỗ Hàn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện đề án Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả của các tổ chức tập thể quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam đã được Bộ VH, TT và DL phê duyệt; tổ chức các hội thảo về bản quyền nhằm nâng cao nhận thức hội viên; phát triển hội viên; nâng cấp, đồng bộ hóa website và số hóa kho dữ liệu tác phẩm để tiến tới bán sách điện tử... Ngoài ra, VLCC sẽ tiếp tục xúc tiến ký hợp đồng với NXB Giáo dục để khai thác bản quyền trong in sách giáo khoa.

Cao Sơn