Một số đề xuất, kiến nghị với Việt Nam

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:57 - Chia sẻ
Từ kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia có thể thấy những bài học thành công chủ yếu về mặt chính sách, cũng như những vấn đề đang đặt ra cho các nước đang trong quá trình đổi mới thể chế, trong đó có Việt Nam; qua đó đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai này.

Cụ thể, Luật Điện ảnh (sửa đổi) nên có quy định về lập, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn phát triển điện ảnh Việt Nam và cơ chế lồng ghép các nội dung thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn phát triển điện ảnh vào các chính sách, pháp luật chuyên ngành khác có liên quan nhằm bảo đảm đồng bộ và có tính khả thi. Trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn về điện ảnh này nên có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm thường trực.

Hệ thống chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh Việt Nam không nên tách bạch trong một số quy định chung của Luật mà cần được thiết kế nhằm bảo đảm thiết lập một thị trường điện ảnh hoàn chỉnh, giúp cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được tham gia thuận lợi vào cả ba khâu: Sản xuất, phát hành và phổ biến phim, bảo đảm thị trường điện ảnh trong nước không bị các doanh nghiệp nước ngoài “lấn sân” và “chiếm lĩnh”. Cần có quy định về các chính sách ưu đãi thích hợp về tín dụng, bảo lãnh và đất đai… ở từng Chương có nội dung liên quan, để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được tích cực tham gia đầy đủ các khâu này, nhất là đối với khâu phát hành và phổ biến phim. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực khuyến khích cần hướng đến các đối tượng cụ thể, như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng và kinh doanh rạp chiếu phim có thời lượng ưu tiên chiếu phục vụ các đối tượng như trẻ em, người tàn tật và các đối tượng chế độ, chính sách khác, những người ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giải trí như công nhân, người lao động thu nhập thấp…

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người hoạt động điện ảnh

Nguồn: ITN

Quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có sự tách bạch rõ giữa vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim do nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất với Hội đồng phân loại phim, vì về bản chất hai công việc này là khác nhau.

Bên cạnh việc tiếp tục làm rõ tiêu chí phân loại phim nhằm hạn chế tình trạng tùy tiện trong việc yêu cầu thay đổi nội dung, chuyển loại phim được phân loại của cơ quan có thẩm quyền phân loại phim, bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, nên nghiên cứu thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại về phim có sự độc lập về chuyên môn với cơ quan có thẩm quyền phân loại phim.

Việc thiết kế nội dung chính sách khuyến khích đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện ảnh không nên chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần thông qua các biện pháp khác nhau nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư/tài trợ sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh; hợp tác sản xuất phim với nước ngoài; trao giải thưởng cho các tài năng trẻ điện ảnh tại các liên hoan phim...

Đối với các phim được phát trên mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài, việc cấp giấy phép phân loại phim (theo nguyên tắc tiền kiểm) là không khả thi nên cần kết hợp giữa giải pháp kỹ thuật (chặn bằng tường lửa) với cơ chế hậu kiểm, xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Cần quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) theo hướng mở rộng nội hàm tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim trong nước theo hướng không chỉ nhằm tôn vinh, trao giải cho cá nhân, tập thể hoạt động điện ảnh vì các giá trị nghệ thuật hoặc nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, mà còn là nơi để các nhà sản xuất phim trong nước gặp gỡ, chào hàng ý tưởng (pictching) sản xuất phim nhằm thu hút xã hội hóa nguồn đầu tư/hỗ trợ cho sản xuất phim trong nước.