Một sinh hoạt văn hóa chưa văn hóa
Trong 2 ngày 19 - 20.10 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra chương trình ca nhạc có tên Chiều nắng - tên một bài hát nổi tiếng về chủ đề tình yêu. Chương trình khá hoành tráng, hội tụ nhiều gương mặt ca sĩ tên tuổi. Bài viết này không có ý bình luận về đêm nhạc cũng như đánh giá chất lượng nghệ thuật mà muốn nói đến khía cạnh khác.
Các tác giả có tác phẩm trình diễn trong 2 đêm nhạc nói trên đều hầu như không được báo - nếu không nói là xin phép - về việc chương trình lấy bài của họ làm tiết mục. Thôi thì việc này khả dĩ có thể châm chước vì ở nước ta chưa có thông lệ đó. Lý do cho sự ứng xử không “chuẩn” này có thể là: Chúng tôi dùng bài của các nhạc sĩ là quý, hân hạnh lắm rồi; chúng tôi biết các vị ở đâu mà báo, xin phép? Nhiều vị đã qua đời thì báo cho ai đây? Vân vân và vân vân. Điều đáng nói hơn là nhạc sĩ có bài làm “đinh” của chương trình (“Chiều nắng”) khi biết đã gọi điện đến cơ quan tổ chức đêm nhạc để xin giấy mời đến dự thì được trả lời: Không trực tiếp làm, chỉ mang danh, còn thực hiện cụ thể là người nọ, người kia. Hỏi “người nọ, người kia” (có tên cụ thể) thì họ nói chỉ là người thực hiện chương trình, không biết gì về việc phát hành giấy mời hay bán vé… Nhạc sĩ kia phải ngỏ lời với tổng đạo diễn mới được việc. Nhưng đây là do quan hệ cá nhân và là vé chứ không phải giấy mời. Không biết đạo diễn có phải bỏ tiền túi mua vé tặng nhạc sĩ không? Và vé ở vị trí tít dưới, cùng những người quay phim.
Lại thêm một xử sự thiếu văn hóa nữa: Nhạc sĩ có bài là chủ đề đêm nhạc mang tên và được hát ngay phần đầu của chương trình không hề được nhắc tên, trong khi tất cả các ca khúc sau đó đều có giới thiệu tác giả.
Ở nước ta lâu nay, người sáng tác chưa được tôn trọng đúng mức. Biểu hiện rõ nhất là luôn cố tình trốn, tránh việc trả tiền tác quyền. Từng có nhiều vụ kiện tụng về việc này từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ. Và luôn có quan niệm: Tác giả mà được dàn dựng, trình diễn tác phẩm là may mắn, mừng rồi! Có thể có tác giả có tâm lý đó. Nhưng ngược lại, nhạc sĩ có thể không đồng ý cho trình diễn tác phẩm của họ nếu biết rõ diễn viên nào đó yếu kém, không có khả năng thể hiện được tác phẩm. Vậy nên, “chuẩn” như nhiều nước trên thế giới, người đứng ra tổ chức chương trình phải xin phép tác giả và nói rõ nghệ sĩ nào sẽ trình diễn tác phẩm của họ. Được tác giả đồng ý mới thực hiện.
Hoạt động văn hóa thì dứt khoát phải đạt chuẩn mực văn hóa. Hãy bắt đầu từ ngành văn hóa để tạo thói quen văn minh trong toàn xã hội, ở mọi giới, mọi ngành.