Trách nhiệm giải trình - cơ sở của Hiến pháp mới
Sau khi chế độ Apartheid bị lật đổ, cuộc tổng tuyển cử ở Nam Phi năm 1994 đánh dấu sự chuyển đổi từ một nhà nước áp bức sang một nền dân chủ lập hiến dựa trên nhân quyền, cởi mở và có trách nhiệm giải trình. Lần đầu tiên, đa số người dân Nam Phi được trao quyền bỏ phiếu bầu ra các nhà lãnh đạo có trách nhiệm, hành động vì lợi ích của họ và chịu trách nhiệm trước họ. Là phương tiện chính của nhà nước dân chủ, Hiến pháp đã thiết lập mô hình Nghị viện lưỡng viện, bao gồm Quốc hội (NA-Hạ viện) và Hội đồng quốc gia cấp tỉnh (NCOP-Thượng viện), mỗi bên có chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ của Quốc hội là “bảo đảm Chính phủ do nhân dân quản lý theo Hiến pháp, pháp luật. Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở được trao quyền lựa chọn Tổng thống, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thông qua luật cũng như giám sát hoạt động của cơ quan hành pháp.
Hiện tại, Quốc hội bao gồm 400 thành viên từ các đảng chính trị, được bầu 5 năm một lần theo tỷ lệ của từng hệ thống đại diện. Sau khi được thành lập, Quốc hội bầu Tổng thống làm người đứng đầu cơ quan hành pháp quốc gia. Sau đó, Tổng thống bổ nhiệm nội các trong số các thành viên của Quốc hội. Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của Chính phủ để bảo đảm rằng Chính phủ hành động vì lợi ích của người dân. Ngược lại, Hiến pháp quy định rằng Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể và cá nhân trước Quốc hội, cung cấp báo cáo đầy đủ và thường xuyên cho các thành viên Quốc hội.
Mở cửa với công chúng và báo chí
Những người soạn thảo Hiến pháp hiểu rằng để tăng cường trách nhiệm giải trình, cần có một Quốc hội minh bạch và cởi mở để người dân có thể theo dõi hoạt động của những người đại diện cho họ. Hơn nữa, cơ quan hành pháp có trách nhiệm giải trình trước dư luận.
Về mặt này, Hiến pháp quy định: “Quốc hội phải hoạt động một cách cởi mở, các cuộc họp của ủy ban phải được tiến hành công khai... Quốc hội không được hạn chế người dân, bao gồm cả giới truyền thông, tham dự các phiên họp của ủy ban trừ khi có lý do chính đáng”.
Kể từ đó, Quốc hội đã tích cực tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận và tham gia của người dân vào các công việc. Tòa nhà Quốc hội luôn mở cửa, tạo điều kiện cho người dân và truyền thông tham dự các cuộc họp. Các phương tiện truyền thông cũng được khuyến khích thông tin về Quốc hội trên nhiều nền tảng khác nhau. Bản thân Quốc hội cũng có kênh truyền hình riêng với thông tin cập nhật. Ngoài ra, Quốc hội cũng nỗ lực để tiếp cận các địa phương, do thực tế là nhiều người dân ở địa phương không có đủ nguồn lực để đi lại hoặc tiếp cận các phương tiện truyền thông. Quốc hội cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận. Trụ sở Quốc hội đều có thiết kế cho xe lăn và các cuộc tranh luận tại Quốc hội, ngoài ngôn ngữ bản địa, còn được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu.
Khung pháp lý bảo đảm trách nhiệm giải trình
Do nguyên tắc trách nhiệm giải trình là trọng tâm của Hiến pháp mới, Quốc hội buộc phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý và thủ tục mới để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mình.
Trong những năm đầu tiên chuyển sang một nhà nước dân chủ, Quốc hội đã xem xét một số đạo luật và quy định nhằm thúc đẩy hoạt động giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình, bao gồm các đạo luật nhằm trao quyền cho các cơ quan quản lý dịch vụ công và giám sát tài chính công, đồng thời củng cố các cơ quan độc lập khác để hỗ trợ hệ thống kiểm tra, giám sát chẳng hạn như Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban về giới, Cơ quan Bảo vệ công cộng và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Là một phần trong các bước trao quyền cho các thành viên, Quốc hội đã thông qua Đạo luật về quyền, đặc quyền và quyền miễn trừ của Quốc hội và Hội đồng Quốc gia cấp tỉnh năm 2004. Đạo luật củng cố quyền miễn trừ cho phép nghị sĩ phát ngôn trong các cuộc họp mà không lo sợ bị truy tố vì phát ngôn của mình. Luật cũng đặt ra các thủ tục cho phép Quốc hội triệu tập bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đến điều trần. Những quyền hạn này là cần thiết để bảo đảm chức năng giám sát.
Năm 1999, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Quản lý tài chính công năm 1999, nêu chi tiết các cam kết về kế toán của Chính phủ, đồng thời quy định mọi bộ trưởng hàng năm phải nộp kế hoạch ngân sách, báo cáo tài chính cũng như các báo cáo được kiểm toán cho Quốc hội. Ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Kiểm toán công năm 2004 để điều chỉnh hoạt động của Tổng kiểm toán nhà nước, cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán lĩnh vực công cho Quốc hội.
Nội quy mới của Nghị viện
Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội cũng đã thông qua nội quy mới, để bảo đảm rằng các vấn đề lợi ích công cộng là mối ưu tiên hàng đầu của cơ quan lập pháp. Nội quy mới tăng cường vai trò của nghị sĩ trong quy trình lập pháp, tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận về các sáng kiến lập pháp, các báo cáo và đề xuất của ủy ban. Nội quy mới cũng trao cho nghị sĩ quyền đề xuất các nội dung thảo luận để Quốc hội xem xét. Quốc hội cũng thành lập các ủy ban thường trực để giám sát từng bộ trong chính phủ. Điều này đã giúp thúc đẩy tính liên tục cũng như chuyên môn hóa các nội dung và lĩnh vực mà các ủy ban giám sát.
Nội quy cũng cho phép các nghị sĩ chất vấn cơ quan hành pháp bằng cả văn bản và chất vấn trực tiếp. Trong phiên họp Quốc hội, mỗi nghị sĩ có thể đặt tối đa hai câu hỏi trực tiếp mỗi ngày và tối đa ba câu hỏi bằng văn bản mỗi tuần. Tổng thống, Phó Tổng thống có trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội ít nhất 4 lần trong một năm. Thủ tướng có trách nhiệm trả lời các câu hỏi bằng miệng tại Quốc hội vào thứ Tư hàng tuần. Hoạt động chất vấn đã trở thành một công cụ quan trọng để Quốc hội nắm bắt thu thập thông tin và tăng cường hoạt động giám sát.