Một phần lịch sử, văn hóa Nhật Bản

Lê Thủy 16/10/2011 07:10

Tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đang diễn ra triển lãm Nhật Bản: Vương quốc của những nhân vật biểu trưng và hoạt hình, giúp người xem thấy rõ các giai đoạn phát triển và vị trí của các nhân vật này trong đời sống người dân đất nước mặt trời mọc.

Hầu hết mọi người tới Nhật Bản đều ngạc nhiên vì sự xuất hiện của các nhân vật manga và hoạt hình ở mọi góc phố. Không chỉ tại những địa điểm nổi tiếng như Akihabara và Harajuku, mà trong các siêu thị và cửa hàng lưu niệm ở cả những thị trấn nhỏ trên khắp đất nước Nhật Bản, mọi người đều có thể tìm thấy vô số hàng hóa được trang trí với hình ảnh của mèo Hello Kitty hay quái vật Pocket... Nhưng đây lại là điều bình thường tại vương quốc của các nhân vật biểu trưng và hoạt hình. Từ lâu, người dân Nhật Bản, dù nam hay nữ, người lớn hay trẻ nhỏ, đã quen với thế giới nhân vật bước ra từ truyện tranh và các serie phim hoạt hình. Chúng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của họ, dù ở không gian riêng tư cũng như không gian công cộng. Có thể khẳng định, Nhật Bản là nơi duy nhất trên thế giới đặc biệt yêu thích các nhân vật biểu trưng và hoạt hình. Thậm chí, sự yêu chuộng này được xem như là một phần trong việc hình thành lịch sử của Nhật Bản.

Trở lại lịch sử, thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX, nhờ sự phát triển rộng rãi của manga và sự xuất hiện của truyền hình, các nhân vật biểu trưng và hoạt hình trở nên phổ biến ở Nhật. Trong giai đoạn đầu, không thể không kể tới tác phẩm về cậu bé người máy Tetsuwan Atom (Astro Boy) của Tezuka Osamu, trình làng năm 1952. Cho đến nay, trên 800 sản phẩm thương mại ăn theo Atom đã được bày bán trên thị trường. Ngoài việc phát sóng liên tục vào nhiều dịp khác nhau tại Nhật Bản, Astro Boy đã được Hollywood dựng thành phim năm 2009. Đến thập niên 1970, nền văn hóa các nhân vật biểu trưng và hoạt hình của Nhật Bản phát triển cực kỳ thịnh vượng, không chỉ bởi sự xuất hiện của nhiều nhân vật nổi tiếng, mà các mặt hàng ăn theo chúng đã tràn ngập khắp thị trường Nhật Bản. Khi ấy, nhân vật biểu trưng và hoạt hình không chỉ gói gọn trong thế giới của trẻ em nữa, mà đã lan sang cả cuộc sống của người trưởng thành. Hello Kitty, nhân vật mở đầu cho trào lưu “kawaii” (dễ thương) trong nền văn hóa các nhân vật biểu trưng Nhật Bản, xuất hiện vào giai đoạn này. Tới đầu thế kỷ XXI, Pokémon là một trong những hình tượng quyền lực nhất của nền giải trí toàn cầu. Kể từ khi xuất hiện trên thị trường dưới dạng trò chơi của Nitendo Game Boy năm 1996, Pokémon đã lấn sân sang lĩnh vực phim hoạt hình, phim điện ảnh, mua bán thẻ trò chơi hàng hóa thương mại và các sự kiện trên toàn thế giới. Thương hiệu Pokémon đã thu về hơn 3.000 tỷ Yen...

Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Yoshioka Norihiko cho biết: Trung tâm chọn giới thiệu các nhân vật này với 2 tiêu chí về kinh tế và văn hóa. Về kinh tế, các nhân vật như mèo Hello Kitty rất được ưa chuộng, không những ở Nhật Bản mà còn các nước trên thế giới, giúp thu được nguồn lợi nhuận đáng kể từ bán băng đĩa phim, khai thác hình ảnh, kinh doanh đồ chơi, trò chơi điện tử và nhiều loại hình giải trí khác liên quan. Về khía cạnh văn hóa, các nhân vật hoạt hình gắn bó mật thiết đối với người dân Nhật Bản, có tỉnh, vùng còn có biểu trưng riêng bằng nhân vật hoạt hình mang bản sắc văn hóa đặc trưng của mình. Triển lãm muốn giới thiệu những nhân vật dễ thương, chia sẻ tình yêu này và tạo ra niềm vui thích cho khán giả Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một phần lịch sử, văn hóa Nhật Bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO