Một nhà báo kiệt hiệt

Hoài Nam 18/06/2008 00:00

Đó là người đã viết rằng làm báo “là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo”.

      “Một nhà báo kiệt hiệt” – ấy là sự đánh giá không che giấu niềm thán phục mà nhà văn Tô Hoài dành cho một người bạn, một bậc đàn anh của ông, một nhân vật mang diện mạo khá đặc biệt trong giới những người viết văn làm báo ở Việt Nam trước năm 1945.
      Người ấy, khi nhìn lại quãng thời gian bốn mươi năm dấn thân trong làng báo với bao phen thăng trầm và đủ mùi vinh nhục của mình, không chút ngần ngại gọi đó là Bốn mươi năm nói láo. Người nói láo – nhà báo được Tô Hoài định tính bằng hai chữ “kiệt hiệt” nọ, chính là Vũ Bằng.
      Ngay khi học lớp đệ ngũ trường Lycee Albert Sarraut, Vũ Bằng đã giữ chân thư ký tòa soạn cho một tờ nguyệt san viết tay, lưu hành nội bộ đám học trò người Việt của trường Tây, có tên là Hồn nước Nam. Ông kể lại công việc của mình trong cái trò chơi báo chí kiểu trẻ con ấy như sau: “Nghe thấy mang máng rằng làm thư ký tòa soạn báo thì phải sửa văn người khác, tôi cũng trịnh trọng gạch, xóa, lộn câu đầu xuống đít, lộn câu đít lên đầu, rồi tấm tắc tự cho là bảnh lắm”. Và, khi bị chúng bạn phản ứng kịch liệt vì cái kiểu sửa bài lấy được như vậy, thì: “Tôi tưởng chừng như có ai cho một nhát búa vào đầu, nhưng sau làm ra mặt oai, hừ một cái rồi kết luận: Đó là cái vinh, cái nhục của nghề làm báo!” (BMNNL). Quả đúng là một trò chơi, không hơn, nhưng là một trò chơi đã phần nào hé lộ khát vọng của Vũ Bằng được gắn đời mình với nghề báo. Không khó để nhìn ra mấy nguyên do nằm ở đằng sau khát vọng ấy. Thứ nhất, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề bán sách ở Hà Nội, vậy nên ngay từ nhỏ ông đã có điều kiện tiếp xúc rộng với sách báo, ham đọc và sớm nuôi mộng trở thành một người viết. Thứ hai, tuổi thanh niên của Vũ Bằng cũng đúng là lúc báo chí Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển bồng bột, đầy phấn khích: Viết báo đã trở thành một nghề, ký giả đã trở thành một lớp người trong xã hội, thậm chí là một lớp người có tiếng nói “nặng đồng cân” - điều này kích thích rất mạnh đến tâm lý “muốn học theo để tự thể hiện” ở người đầu xanh tuổi trẻ như ông (Vũ Bằng viết trong BMNNL: “Làm báo như hạng Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, viết một bài, Tây sợ chết cha chết mẹ, phải mua chuộc hàng ngàn hàng vạn mà chưa chắc đã êm... Mê quá!”). Cuối cùng, điều gì phải đến đã đến: Năm 1929, ở cái tuổi 15 - 16, Vũ Bằng quyết định bỏ học, xếp xó luôn dự tính “hết tú tài sẽ sang Pháp học thuốc” mà bà mẹ thị dân tiểu tư sản đã sắp sẵn cho tương lai của “thằng ba”. Ông chính thức bước chân vào cái nghề điêu đứng: Nghề “làm báo nói láo ăn tiền” (chữ của Vũ Bằng). 
      Có lẽ, nếu tính những tờ báo mà Vũ Bằng từng viết bài cộng tác trong giai đoạn ông làm báo ở Hà Nội (1929 – 1954), con số chắc phải lên tới hàng chục: Hữu Thanh, An Nam tạp chí, Đông Tây, Rạng Đông, Nhật Tân, Trung Bắc tân văn, Công dân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá, Tương lai, Vịt đực, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn v.v... Nhiều, vì ông viết khỏe, và thật ra ông cũng chẳng biết việc gì khác ngoài viết – viết để sống (đây chính là một trong những dấu hiệu của tính chuyên nghiệp đối với người làm nghề). Nhiều, vì ông có thể và chấp nhận viết đủ thứ: Từ cái tin vặt, mẩu vui cười, trả lời bạn đọc, tâm sự nhỏ to, đến bài phóng sự, bài xã thuyết, bút ký, hoặc truyện ngắn, truyện dài đăng từng kỳ (trong con mắt “cảnh vẻ” của nhiều nhà báo thời nay, kiểu viết ấy xem ra khá... thượng vàng hạ cám, hỗn tạp. Nhưng nhìn theo cách khác, nó lại là dấu hiệu nữa của tính chuyên nghiệp). Vũ Bằng học được khả năng này từ lời khuyên của một tiền bối trong làng báo - ông Nguyễn Văn Luận, chủ bút tờ Trung Bắc tân văn sau thời ông Nguyễn Văn Vĩnh: “Làm báo phải như con dao pha, bất cứ cái gì cũng phải viết được, mà viết nhanh, thiếu mục gì là mình có bài điền vào luôn, không anh nào bắt bí được mình” (BMNNL). Thậm chí ông còn đi xa hơn nữa khi xông vào nhà in để học hỏi, vì rằng “làm báo không thể nào không biết nhà in; Nhà báo và nhà in như cá với nước, như răng với môi, môi hở thì răng lạnh” (BMNNL).
      Nhưng nếu chỉ có thế, rõ ràng chưa đủ để gọi Vũ Bằng là “một nhà báo kiệt hiệt”. Phải kể thêm ở đây mấy việc. Thứ nhất, ông là một trong những người chủ trương thành lập và trực tiếp xắn tay vào công việc của báo Vịt đực – tờ báo trào phúng đầu tiên ở Việt Nam (phải rất lâu sau Vịt đực, ta mới thấy có tờ Tuổi Trẻ cười xuất hiện trong làng báo). Làm Vịt đực, Vũ Bằng và các bạn ông thả sức dùng tiếng cười để chế giễu, đả kích các loại quan to quan nhỏ của chính quyền Nam triều và chính phủ Bảo hộ, với phương châm: “Đã không chửi thì thôi, đã chửi thì đối phương khôn nhất là im đi... Chúng tôi quyết chửi trường kỳ, chửi hàng tháng, hàng năm, theo kiểu Ba Giai – Tú Xuất, kỳ cho đến khi nào chán và hết vấn đề để chửi mới thôi” (BMNNL). Vịt đực trở thành một tờ báo bán chạy nhất lúc ấy là vì thế (đến mức, khi Vịt đực phải giảm lượng phát hành - vì mấy ông nhà báo xài sang: Trưa, chiều ăn cao lâu ở Hàng Buồm, đêm đi hát cô đầu ở Vạn Thái, Khâm Thiên, mãi rồi tiền bán báo không đủ để trả tiền giấy và nhà in - trẻ con bán báo đã tập trung trước cửa tòa soạn, chửi bới tàn nhẫn vì tội báo in ra không đủ bán!). Thậm chí, ngay cả thống sứ Châtel và hoàng đế Bảo Đại cũng trở thành những nhân vật bị Vịt đực móc máy cho đến tím gan tím ruột, bẽ mặt trước bàn dân thiên hạ, nhưng chính vì thế mà tờ báo phải cáo chung sau 52 số tung hoành trên đủ các mặt của đời sống xã hội Bắc Kỳ.
      Thứ hai, sau khi tờ Vịt đực đóng cửa, Vũ Bằng cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, cùng một lúc ông trông nom ba tờ báo cho Tân Dân, là Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá. Chắc hẳn, khi nhà văn Tô Hoài nhớ lại hình ảnh của Vũ Bằng giữa chồng đống các thứ báo Tây báo ta trên căn gác phố Hàng Da, thì chính là ở giai đoạn này: “Lúc nào dường như cũng thấy anh hí hoáy quỳ phục giữa nhà. Như một ông thợ nấu cực thành thạo, tay dao tay thớt, mắt để vào món vừa chín, mắt nhìn món bưng ra. Những chồng báo ấy là thức ăn nuôi bài. Vũ Bằng làm báo, viết báo, thầu báo cai đầu dài ba bốn tờ một lúc” (Vũ Bằng “thương nhớ mười hai”, Tạp chí Văn học, số 1/1991). Sức làm việc như vậy thật hiếm thấy trong báo giới Việt Nam từ xưa đến nay. Nhưng điều còn quan trọng hơn mà Vũ Bằng đã làm được trong “giai đoạn Tân Dân”, nói như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, đó là ở ông có cái vai trò “người góp phần tổ chức quá trình văn học đương thời” (chỗ này cần phải nhấn mạnh một điểm mà Hoàng Thiếu Sơn từng nhấn mạnh: Văn học Việt Nam hiện đại thoát thai từ báo chí. Trước năm 1945, hầu hết các tác phẩm văn chương đều xuất hiện đầu tiên trên báo, sau đó mới in thành sách. Viết văn, cũng có nghĩa là viết văn cho báo). Chính Vũ Bằng là người đã phát hiện ra tác phẩm của Nam Cao trong tập bài lai cảo sắp biến thành giấy lộn ở tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy - tờ báo này khi đó có lượng độc giả rất lớn - nhờ có con mắt xanh ấy, truyện của Nam Cao mới được in liên tục và cái bút danh Nam Cao ngày càng nổi tiếng. Vũ Bằng cũng là người có công phát hiện ra Tô Hoài khi ông chọn đăng truyện ngắn đầu tay Đôi chim gi đá của Tô Hoài trên Tiểu thuyết thứ bảy, và tiếp đó, lại đăng trên tờ Truyền bá một tác phẩm sẽ khiến tên tuổi Tô Hoài trở nên để đời: Dế mèn phiêu lưu ký (xem thêm phần Vũ Bằng viết về Nam Cao và Tô Hoài trong tập Mười chín chân dung nhà văn cùng thời, Văn Giá sưu tầm và giới thiệu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002). Ngay trong bài viết Vũ Bằng “Thương nhớ mười hai” đã dẫn ở trên, nhà văn Tô Hoài cũng chỉ ra một điều mà rất ít người nhận thấy, đó là cái “hơi hướng Vũ Bằng” (ở những truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy) trong văn của Nam Cao và trong văn của chính ông. Chưa hết, là người chịu trách nhiệm chăm sóc bài vở cho ba tờ báo, Vũ Bằng giao thiệp rất rộng với giới cầm bút. Để phục vụ cho báo, và bằng uy tín của mình, ông đã có những tác động nhất định tới con đường sáng tác của anh em văn hữu: “Đối với mỗi người, tôi đều đề nghị hướng về một con đường chuyên biệt. Như với Nam Cao, tôi đề nghị nên chuyên viết về những bạn trí thức nghèo, Tô Hoài về loài vật, Nguyễn Tất Thứ về các phong tục và đồng dao miền Trung, Lý Văn Sâm về những chuyện đường rừng Trung Nam... Kim Lân về các cách ăn chơi lọc lõi của các vị con quan thất thế, như đá gà, chọi trâu, chơi chó, chơi cây, chơi chữ, đấu kiệu...” (BMNNL). Đến đây có lẽ không cần phải bình luận nhiều hơn: Những “đề nghị” của Vũ Bằng với các nhà văn kể trên đã được hiện thực hóa, và về cơ bản, chúng không nằm ngoài những gì mà về sau này văn học sử Việt Nam sẽ ghi nhận ở sự nghiệp sáng tác của họ.
      Trong cuộc đời làm báo, viết báo của mình – chỉ tính đến năm 1969, năm mà tập Bốn mươi năm nói láo hoàn thành – Vũ Bằng đã có vài ba lần “khủng hoảng tinh thần”. Nói cho đúng hơn, đó là những lần ông ở vào tình thế tự phải đối mặt với chính mình, tự phải chất vấn chính mình về bản chất của nghề báo mà mình đang làm và sứ mệnh của nhà báo mà mình đang sắm vai. Khi từ vùng kháng chiến trở về thành Hà Nội, biết tin bạn bè trong báo giới có nhiều người bị quân Pháp giết hại, ông đã “buồn muốn khóc” và chợt thấy những việc gọi là làm báo từ trước đến giờ của mình thật vô nghĩa trước những thách thức khốc liệt của lịch sử. Lần khác, sát ngày lên tàu vào Nam, ông “đã nghĩ rất nhiều đến việc thoát ly nghề báo lúc này để chờ đợi một ngày mai thuận lợi”. Bởi ông sợ một sự xuống dốc của nhân cách trước nghịch cảnh: “Viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì?”. Và cũng bởi ông sợ không gánh vác nổi cái sứ mệnh thật lớn lao của báo chí mà ông đã nhận thức rất rõ ràng: Làm báo “là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo” (BMNNL). Những cơn “khủng hoảng tinh thần” như vậy, những cuộc tự cật vấn như vậy, những đợt phản tư quyết liệt như vậy chính là dấu hiệu để nhận diện một nhà báo chân chính. Và nó là điều không thể xảy ra ở những kẻ làm báo chỉ cốt để kiếm sống hoặc kiếm một chút danh hão nào đó (đơn giản là họ cứ mải miết làm mà không thấy cần phải có lúc ngừng lại để nghĩ về ý nghĩa thật sự của cái công việc mình đang làm).
      Cả một đời gắn bó với nghề báo, cả một đời múa bút tung hoành trên mặt báo khắp trong Nam ngoài Bắc, Vũ Bằng quả là người đã “ăn chịu” đến cùng với báo chí. Mất rất nhiều và được cũng rất nhiều, nếm trải đủ mùi từ vinh đến nhục mà nghề báo đưa lại. Có thể nói Vũ Bằng đã làm báo như một niềm say mê lớn lao, lại như người phải chịu một nghiệp chướng khủng khiếp. Dù sao thì ông cũng chẳng khi nào hối tiếc vì đã chọn nghề này. Ông đã khép lại tập Bốn mươi năm nói láo của mình bằng những dòng chữ đầy tâm huyết: “Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế. Nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”. Vậy đấy, chân dung tinh thần của Vũ Bằng, một nhà báo kiệt hiệt, một nhà báo xứng đáng và cần phải được tôn vinh như một trong những nhân vật hàng đầu của lịch sử báo chí Việt Nam.

 Hoài Nam

    Nổi bật
        Mới nhất
        Một nhà báo kiệt hiệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO