Hôm kia, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời đã ra mắt tại Hà Nội. Về cơ bản, xưa nay và khoảng 2 thập kỷ nữa là ít, muốn nghe nhạc giao hưởng ở Việt Nam có lẽ vẫn phải nghe ở Hà Nội.
Hôm sau, đã nhận được tin buồn: Một người đàn ông vừa ra đi, vì căn bệnh ung thư, anh ấy là nhạc sĩ Hoàng Lương, từng có thời gian dài là chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Một người tài khiêm tốn, ít lời, sống lặng lẽ. Với thế hệ con cái viên chức nghèo ở Hà Nội chúng tôi, trước 1994, 90% kiến thức âm nhạc đến từ Đài Phát thanh. Ngoài việc phát rộng rãi, kiên trì, bền bỉ không mệt mỏi các chương trình ca nhạc mà nhiều người bây giờ dị ứng gọi là nhạc tuyên truyền, VOV, “ơn giời”, phát rất nhiều chương trình dân ca và thính phòng.
Nhớ nhạc sỹ Hoàng Lương. Nhớ những buổi trưa trốn ngủ nghe nhạc trên sóng phát thanh thời Hà Nội khốn khó và chưa ô nhiễm... |
Khung giờ mênh mông buổi trưa, người ta có thể nghe từ Mozart đến Bach qua Rakhmaninoff vắt sang Đỗ Nhuận, Đỗ Hồng Quân, Đàm Linh, Hồng Đăng, Nguyễn Văn Nam... Đĩa nhựa băng cối tất nhiên, nhưng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam chơi tại phòng thu của Đài không ít. Rất nhiều nhạc sỹ trẻ thời nay chỉ có ôm tổng phổ ngồi khóc vì không thể bán nhà dựng tác phẩm giao hưởng, thì hồi đấy, nếu may mắn, có thể được lọt vào mắt xanh của các ông như Hoàng Lương (hình như trước đó là Cao Việt Bách, Cát Vận...).
Tôi không có may mắn quen thân anh Hoàng Lương, chỉ 2 lần gặp anh. Một, tại buổi họp báo ra mắt bộ phim mà anh làm nhạc. “Ít khi có đạo diễn chịu chơi mời dàn nhạc giao hưởng thu cho phim, nên tôi tặng phần tổng phổ của tôi, chỉ lấy thù lao cho Dàn nhạc tập và tiền phòng thu trả cho Đài” - hôm ấy anh nói vỏn vẹn thế. Lần thứ 2, khi tôi phỏng vấn nghệ sỹ - nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bùi Gia Tường về một vụ ầm ĩ trong giới. Hoàng Lương đi từ phòng ông Tường ra. Ông nhìn theo trước khi vào công việc: “Anh ấy nhà chú đấy, cháu biết không, rất khá!”. Về sau, tôi mới biết anh Lương không phải con trai ruột ông Tường, nhưng ánh mắt âu yếm và giọng tự hào kìm nén thì nhớ mãi...
Lan man thế, vì đến “mùa đi nghe” ở Hà Nội rồi. Thêm một dàn nhạc giao hưởng, ừ thì ghi nhận người rất “giàu” đã chú ý nâng cấp lên sắp thành “sang”. Nhưng cứ buồn buồn, thời của những người âm thầm làm giao hưởng như Hoàng Lương đã và đang lụi đi, tàn dần. Công chúng âm nhạc cần được nghe hằng trưa, hằng đêm ròng rã 20-30 năm chứ đâu phải chỉ đến rạp đẹp selfie, check in mỗi dịp lễ hội hay hội nghị khách hàng.
Nhớ nhạc sỹ Hoàng Lương. Nhớ những buổi trưa trốn ngủ nghe nhạc trên sóng phát thanh thời Hà Nội khốn khó và chưa ô nhiễm...